Trang thông tin điện tử về tài sản công

Đầu tư công mở rộng là gói chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

13:57 | 12/12/2021 Print
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không phải là chương trình đầu tư công mở rộng mà là chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa cho chương trình này.

Phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong đợt làm việc này, UBTVQH đã cho ý kiến về những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới. Trong đó dự kiến có 4 nội dung gồm: cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư giai đoạn 2 công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật.

Tiếp tục cho ý kiến về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây không phải là chương trình đầu tư công mở rộng mà là chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. UBTVQH đã cho ý kiến kỹ lưỡng và đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa nội dung chính sách, xác định mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nguyên tắc của việc thiết kế gói chính sách.

Việc thiết kế phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thực sự có giải pháp tài chính, tiền tệ tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phải có chính sách về y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động; các lĩnh vực an sinh xã hội, thị trường lao động; về đầu tư kết cấu hạ tầng. Đầu tư kết cầu hạ tầng không chỉ có hạ tầng giao thông, đồng thời làm rõ phân bổ vốn vào đâu, chỉ rõ danh mục đầu tư trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục hồi phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Dự kiến trong kỳ họp bất thường sẽ có 4 nội dung đã được UBTVQH cho ý kiến. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải đến kết thúc đợt hai của Phiên họp thứ 6 mới có thể chính thức kết luận về nội dung của kỳ họp bất thường do nội dung về gói chính sách tài khóa, tiền tệ và một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP. Cần Thơ cần được xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và trình lại UBTVQH cho ý kiến trong đợt họp thứ hai.

Đồng thời, các nội dung khác cũng cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, báo cáo thẩm tra trên cơ sở nâng cao tối đa về chất lượng, tránh trường hợp vừa sửa luật xong đã lại phát sinh bất cập hoặc sửa điều luật này làm mâu thuẫn với điều luật khác.

Đảm bảo chất lượng nội dung mới tổ chức kỳ họp bất thường

Tán thành với các ý kiến của UBTVQH về việc tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn thiện cả về chủ trương, nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ phải đảm bảo yêu cầu chất lượng nội dung mới tổ chức kỳ họp bất thường.

Trước đó, trong phiên họp sáng 10/12, báo cáo UBTVQH về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sau phiên họp này, đề nghị các cơ quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung đã được UBTVQH cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương tổ chức kỳ họp và những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị theo quy chế làm việc hiện hành. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, UBTVQH mới có căn cứ quyết định triệu tập kỳ họp.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, nếu cả 4 nội dung đủ điều kiện trình Quốc hội thì dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 3,5 ngày. Trong đó, phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận ở tổ bố trí 1 ngày; thảo luận ở hội trường 2 ngày cho 4 nội dung và phiên bế mạc cùng biểu quyết thông qua là 0,5 ngày.

Có 3 phương án tổ chức kỳ họp được đưa ra: Phương án 1, dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 27/12/2021, bế mạc chiều ngày 31/12/2021. Phương án 2, dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 27/12/2021 và bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 4/1/2022. Phương án 3, dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 4/1/2022 và bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 11/1/2022.

Về phương thức tổ chức họp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Việc biểu quyết sẽ được thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Nhấn mạnh các nội dung dự kiến xem xét đều là những vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị không nên gò ép hay giới hạn cứng thời gian của kỳ họp mà cần bố trí thời gian thảo luận tại tổ và hội trường một cách hợp lý để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến; đồng thời bố trí thời gian thích hợp để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng hàng đầu./.

H.Y

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công