Trang thông tin điện tử về tài sản công

Cơ cấu lại thu ngân sách trong bối cảnh mới

09:59 | 22/12/2021 Print
Đảm bảo nguồn thu ngân sách, nhưng chính sách thu vẫn phải hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế là bài toán khó đặt ra đối với ngành Tài chính. Trong giai đoạn 2021 - 2025, chính sách thu sẽ tiếp tục được cơ cấu một bước để tạo lập hệ thống thu ngân sách bền vững, góp phần tạo môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Đề xuất mức thuế hợp lý, công bằng

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, ngành Tài chính phấn đấu đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP (tương đương 20,4% GDP chưa điều chỉnh), giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 16 - 17% GDP (tương đương 20 - 21% GDP chưa điều chỉnh). Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 13 - 14% GDP (tương đương 17 - 18% GDP chưa điều chỉnh) và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 14 - 15% GDP (tương đương 18 - 19% GDP chưa điều chỉnh). Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đến năm 2025 khoảng 85 - 86%, đến năm 2030 khoảng 86 - 87%.

Cơ cấu lại thu ngân sách trong bối cảnh mới
Ảnh minh họa

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), cơ sở thuế sẽ được mở rộng, tiến tới áp dụng cơ bản một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất theo lộ trình; rà soát, điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ để phù hợp với thực tế; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu và các quy định về hoàn thuế GTGT.Để đạt được mục tiêu đó là không dễ dàng. Ngành Tài chính đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai đồng thời. Đối với các chính sách thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế; tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Đồng thời, Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế, khoản thu.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cơ quan chức năng thực hiện rà soát, nghiên cứu bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB và điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng để định hướng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ được thực hiện rà soát, loại bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế; thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định; mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế theo thông lệ quốc tế.

Liệu có nên cân nhắc điều chỉnh một số loại thuế?

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, vấn đề đảm bảo các nguồn lực tài chính và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất trong chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030. Về cơ cấu lại thu NSNN, trong giai đoạn tới tiếp tục tập trung vào hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN đồng bộ, xây dựng hệ thống thu NSNN có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực vào NSNN, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Thuế TTĐB đối với thuốc lá và đồ uống có cồn để tăng thu ngân sách. Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thực hiện dự toán ngân sách. Trong điều kiện NSNN có hạn, ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch còn dành nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị, trong xây dựng dự toán NSNN năm 2022 cần căn cơ hơn nữa, đảm bảo thu đúng, thu đủ, tránh để thất thoát nguồn thu.

Để có thêm nguồn thu cho NSNN, đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế TTĐB theo tinh thần Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó đề nghị tăng mạnh thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá và đồ uống có cồn. Theo đại biểu, cần bổ sung thuế tuyệt đối, cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn. Cụ thể, nếu áp mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng/một bao bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người hút thuốc; đồng thời thu NSNN tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng/năm. Như vậy, sẽ đạt cả 2 mục tiêu là tăng thu cho NSNN và giảm số lượng người hút thuốc, đồng thời sẽ giảm chi cho những bệnh tật do thuốc lá gây ra.

Đối với đồ uống có cồn, vị đại biểu này trích dẫn tính toán của các tổ chức khoa học, tăng thuế TTĐB đối với bia và rượu trên 20 độ từ mức 65% hiện nay lên mức 85% thì lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu, đồng thời thu NSNN tăng thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Điều chỉnh tăng thuế không đơn giản. Mỗi lần điều chỉnh, các cơ quan có thẩm quyền phải tính toán, cân nhắc rất kỹ trong bối cảnh phù hợp. Tuy nhiên, các chính sách về thu NSNN sẽ được thực hiện theo đúng các mục tiêu chiến lược đề ra cho cả giai đoạn, đáp ứng nhu cầu phát triển.

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công