Trang thông tin điện tử về tài sản công

Bộ Tài chính nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện đầu tư kinh doanh

22:13 | 01/01/2022 Print
Năm 2021, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật. Đồng thời, không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số tuân thủ pháp luật.
Bộ Tài chính nỗ lực duy trì thứ hạng Chỉ số tuân thủ pháp luật năm 2021
Bộ Tài chính nỗ lực duy trì thứ hạng Chỉ số tuân thủ pháp luật năm 2021. Ảnh: TLC

Cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ ban hành từ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí gây khó khăn cho doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nếu có những quy định gây khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật. Đồng thời, rà soát, lập danh mục các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung chưa rõ, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu khả thi, khó tuân thủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ Tài chính thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật. Bộ Tài chính cũng tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các mô hình hoạt động trong thực tiễn (nếu có) nhằm thu thập, cập nhật thông tin, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng cường hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Trong điều hành, Bộ Tài chính chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị; trường hợp không giải quyết được thì phải có văn bản giải thích, thông tin trả lời rõ ràng cho doanh nghiệp được biết; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Tập trung hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tính đến ngày 8/12/2021, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 27 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định (tính cả các đề án đã trình từ năm 2020 chuyển sang); ban hành theo thẩm quyền 100 thông tư. Qua rà soát, các văn bản đã thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Trong đó đã rà soát đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp góp phần cải thiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính. Tính đến nay, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 295 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát và đề xuất các phương án để cắt giảm, đơn giản hóa các quy định và chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực được giao quản lý (đảm bảo đến năm 2025 thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ).

Đáng chú ý, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị định 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15; Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Chính sách này góp phần hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vượt qua khó khăn trong thời điểm Covid-19, giúp giảm tải các áp lực về nghĩa vụ tài chính và giúp dồn nguồn lực để phục hồi, duy trì sản xuất.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền một số thông tư giảm thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với các quy định sắp hết hiệu lực, cũng được kịp thời rà soát, gia hạn thời gian giảm phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, khi những khó khăn chưa qua.

Bên cạch đó, Bộ Tài chính là một trong số các bộ, ngành tiên phong, đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những nỗ lực không ngừng nghỉ thời gian qua của Bộ Tài chính với mục tiêu cao nhất, đó là nhằm hỗ trợ hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ động áp dụng công nghệ thông tin, nâng xếp hạng chỉ số B1

Để cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số tuân thủ pháp luật, Bộ Tài chính không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Luỹ kế từ ngày 1/1/2021 đến ngày 22/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành 8 quyết định công bố bãi bỏ 197 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 19 TTHC; công bố mới 115 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Tiêu biểu trong lĩnh vực thuế, năm 2021, kiến nghị đơn giản hóa 86/304 TTHC (tỷ lệ 28,3%), tương ứng với tiết kiệm trên 524 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Trên cơ sở quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Bên cạnh việc nỗ lực trên các mặt công tác để cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số tuân thủ pháp luật, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với ngành Tài chính. Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ngành khác, do vậy, việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật sẽ phải thực hiện trên diện rộng, đồng loạt trên nhiều lĩnh vực và bởi nhiều bộ, ngành khác nhau thì mới đạt được kết quả.

Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nên một số chương trình công tác về tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực tài chính còn gặp nhiều khó khăn, chưa triển khai được đúng kế hoạch xây dựng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1.

Gần 140 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp

Năm 2021, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng gần 140 nghìn tỷ đồng.

MA

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công