Trang thông tin điện tử về tài sản công

Ngành Tài chính sớm “về đích” thu ngân sách

14:00 | 05/01/2022 Print
Một trong những kết quả nổi bật của ngành Tài chính năm 2021 phải kể đến đó là sớm “về đích” thu ngân sách. Năm 2021, ngành Tài chính đã hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách từ 4 - 5% trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ngành Tài chính sớm “về đích” thu ngân sách (XB 14h ngày 5/1/2022)
Ngành Tài chính sớm “về đích” thu ngân sách. Ảnh: Minh họa

Thu ngân sách ước vượt từ 4 - 5% dự toán

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong vòng 5 tháng (từ tháng 5 - 9/2021), tình hình thu NSNN bị sụt giảm nghiêm trọng do kinh tế tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp đóng cửa không có nguồn thu về ngân sách; trong khi đó phải thực hiện các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất… 23 địa phương trọng điểm thu (chiếm khoảng 70% số thu cả nước) đều là các địa phương phải thực hiện giãn cách. Đáng lo nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều thực hiện giãn cách dài ngày. TP. Hồ Chí Minh có thời điểm chỉ thu khoảng 10 tỷ đồng/ngày, trong khi mỗi ngày ước tính phải thu khoảng 1.500 tỷ đồng mới đảm bảo dự toán là con số rất đáng lo ngại.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân khó khăn. Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong các giải pháp Bộ Tài chính kiên định thực hiện, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó có số thu về cho NSNN. Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí,...). Ngoài ra, thực hiện: giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021; miễn, giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; cho tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Tổng số tiền thực hiện các chính sách nêu trên dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đã đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, kết quả thực hiện thu NSNN, thu ngân sách đã “cán đích” sớm 1 tháng so với kế hoạch (thu NSNN 11 tháng đã vượt 3,4% kế hoạch). Tính chung năm 2021 ước vượt dự toán 4 - 5% đã góp phần đảm bảo các nhiệm vụ theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

Triệt để tiết kiệm chi, dồn lực cho phòng, chống dịch

Về chi NSNN, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch Covid-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12,1 nghìn tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 để mua vắc-xin; bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương vào dự phòng ngân sách trung ương chi cho phòng, chống dịch.

Nhờ vậy, các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ đều trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, đại diện hiệp hội doanh nghiệp cũng như các tổ chức trong và ngoài nước đã dành lời khen ngợi cho Bộ Tài chính trong công tác chỉ đạo điều hành chính sách tài chính - NSNN năm qua. Các chính sách của Bộ Tài chính đã thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc thực hiện các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính. Đặc biệt, cải cách thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp..., đã kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô./.

PV

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công