Trang thông tin điện tử về tài sản công

Giai đoạn 2021-2030: Tập trung phát triển nhà ở có giá phù hợp

00:00 | 06/02/2022 Print
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Giai đoạn 2021-2030: Tập trung phát triển nhà ở có giá phù hợp (XB 5/2/2022)
Giai đoạn 2021-2030: Tập trung phát triển nhà ở có giá phù hợp. Ảnh: MH

Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao

Thông tin về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (ban hành kèm theo Quyết định 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011), tình hình phát triển nhà ở trên cả nước đã đạt được những kết quả tích cực.

Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2. Trong đó, khu vực đô thị đạt 25,1m2 sàn/người (tăng 3,8m2 so với năm 2011); khu vực nông thôn đạt 24,0m2 sàn/người (tăng 6,2m2 so với năm 2011). Tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố tăng lên tới 93,1% trên tổng số hộ có nhà ở. Công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, người nghèo khu vực thiên tai, bão lụt ước tính đạt khoảng 500.000 hộ dân, tương đương với khoảng 2 triệu người dân có chỗ ở an toàn.

Tuy vậy, việc triển khai chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc khiến một số chỉ tiêu phát triển nhà ở chưa đạt; như chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cụ thể, việc phát triển nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra với hơn 5,21 triệu m2 sàn nhà ở (chỉ tiêu là 12,5 triệu m2). Hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho thuê tại các đô thị lớn cũng rất ít... Trong khi đó, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội lại là loại hình nhà ở chiếm tới 70-80% nhu cầu của người dân. Sự lệch pha cung - cầu đã dẫn đến tình trạng mua/bán suất mua nhà ở xã hội, trục lợi chính sách an sinh; giá nhà ở tăng cao vượt khả chi trả của đa số người dân...

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 27m2 sàn/người

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85-90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75-80%. 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Chiến lược cũng xác định đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung, kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán...

Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhà ở gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; nhóm giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; nhóm giải pháp về nguồn vốn và thuế; nhóm giải pháp phát triển thị trường bất động sản; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; tăng cường quản lý bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững cũng được Bộ xác định là một trong ba khâu đột phá của ngành Xây dựng trong năm 2022.

Theo đó, Bộ yêu cầu Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, các đơn vị liên quan tập trung sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Đồng thời, tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó bố trí 2 gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội và cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân; Bộ Xây dựng có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, chỉ tiêu về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn...

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.

DH

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công