Trang thông tin điện tử về tài sản công

Xử lý nghiêm tăng giá bất hợp lý kiểm soát lạm phát ngay đầu năm

16:57 | 09/02/2022 Print
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có công văn số 1076/BTC-QLG gửi các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và tập đoàn, tổng công ty về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý giá.

Tăng cường thanh kiểm tra xử lý nghiêm tăng giá bất hợp lý

Theo Cục Quản lý giá, trên cơ sở tình hình diễn biến giá cả thị trường trước và trong tết, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao tác động đến giá bán lẻ trong nước..., Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá sau dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, cần chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong thời điểm sau tết, nhất là đối với các mặt hàng có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, tham quan, lễ hội và mặt hàng hiện đang có xu hướng tăng giá như xăng dầu, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm...

Trên cơ sở đó chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong quý I và cả năm 2022.

Cùng vào cuộc kiểm soát lạm phát ngay đầu năm, trước diễn biến giá xăng tăng cao
Giá xăng dầu thế giới đang tăng cao, gây áp lực lên giá trong nước trong kỳ điều hành tới. Ảnh: TL.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giá và kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời có các giải pháp quản lý, điều hành giá phù hợp.

Cụ thể, đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, kê khai giá, tổ chức triển khai rà soát để chủ động điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá theo đúng quy định tại Luật Giá và các quy định nêu trên.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các đơn vị sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; không để xảy tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, tết để tăng giá bất hợp lý.

Lên phương án điều hành giá xăng dầu phù hợp

Diễn biến gần đây, giá xăng dầu thế giới đang tăng cao gây áp lực tăng giá trong nước. Tại một số địa phương, đã có hiện tượng một số cây xăng đóng cửa thông báo hết hàng gây bức xúc trong dư luận.

Theo Cục Quản lý giá, diễn biến thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cơ bản ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Đối với giá các mặt hàng xăng dầu và LPG, Cục Quản lý giá nhận định đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.

Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình khi nhận định, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/2 tới đây, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.

Kiến nghị các biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải cùng vào cuộc. Trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm. Đồng thời, cần tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá tiếp tục điều hành thận trọng, nhất là trong những tháng đầu năm để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm./.

M.A

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công