Trang thông tin điện tử về tài sản công

Giảm thuế giá trị gia tăng, lan tỏa lớn đến công tác hỗ trợ phục hồi kinh tế

00:00 | 25/02/2022 Print
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Văn Hiến- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng, việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% sẽ tạo ra tác động lan tỏa lớn hỗ trợ phục hồi khi mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước ở góc độ điều hành vĩ mô.
Giảm thuế giá trị gia tăng, tác động lan tỏa lớn

PV: Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ vừa thông qua được xem như “liều thuốc bổ” hồi phục nền kinh tế, ông đánh giá thế nào về chương trình này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Chương trình phục hồi kinh tế thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước mặc dù đại dịch khiến nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương khá nhiều về mặt kinh tế, xã hội nhưng Chính phủ quyết tâm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Có thể thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hỗ trợ phục hồi kinh tế: Quốc hội ban hành Nghị quyết 43; Chính phủ có Nghị quyết 01 và Nghị định 15. Đây là sự vào cuộc rất cần thiết sau khi Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được tình hình Covid-19.

Giảm thuế giá trị gia tăng, tác động lan tỏa lớn
TS. Nguyễn Văn Hiến

Chương trình phục hồi kinh tế này là một chương trình hỗ trợ đặc biệt với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với tổng mức hỗ trợ lượng hóa gần 350.000 tỷ đồng, tương đương 4% GDP của năm 2021. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ yếu. Cụ thể, theo tính toán, chính sách tài khóa tương đương khoảng 2,8% GDP, còn chính sách tiền tệ hỗ trợ khoảng 0,55% GDP. Ngoài ra, còn có chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác hỗ trợ khoảng 0,8% GDP.

Đây là một chương trình hay, tác động đến cả mặt cung và cầu, tức là hỗ trợ cả lực kéo và lực đẩy để phát triển kinh tế. Tác động đến cung có nghĩa là tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng được sản xuất nhiều hơn thông qua các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), hỗ trợ về tín dụng... Đồng thời, hỗ trợ về phía cầu: việc giảm GTGT làm cho giá cả mặt bằng, giá cả xã hội nói chung giảm đi, tăng cầu. Cùng với đó là những hỗ trợ trực tiếp an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác nữa. Tôi cho rằng đó là một chương trình rất cần thiết và phù hợp. Trong điều kiện chúng ta đang rất cần thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất thì cần có tác động cả cung và cầu mới mang lại hiệu quả cao cho các chính sách hỗ trợ.

PV: Trong chương trình phục hồi này, đáng chú ý là hỗ trợ giảm 2% thuế GTGT với một số mặt hàng. Theo ông, việc hỗ trợ bằng cách giảm thuế trực tiếp này sẽ mang lại những tác động thế nào tới cả người dân, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Việc giảm 2% thuế GTGT là một chính sách rất hay. Các chính sách hỗ trợ trước đây cũng là giảm thuế nhưng giảm trực tiếp (thuế trực thu), còn GTGT là thuế gián thu nên việc giảm thuế GTGT tác động cả đến tiêu dùng, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), đến cả cung và cầu của nền kinh tế.

Đối với các DN, được giảm GTGT, DN sẽ giảm được chi phí đầu vào, giúp DN thuận lợi hơn trong giải quyết vấn đề đầu ra, đầu ra sẽ “dễ thở” hơn và có dư địa sản xuất hơn. Nghĩa là trong bài toán kinh tế, DN sẽ dễ tính được đầu ra, điều đó hỗ trợ DN yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh.

“So với trước đây chỉ giảm cho một số nhóm đối tượng thì việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% lần này sẽ có tác động lan tỏa đến toàn xã hội. Do đó, việc giảm thuế này tưởng là bất lợi với Nhà nước nhưng thực tế lợi ích mà nó mang lại là lớn hơn”

TS. Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Với người dân, việc giảm thuế GTGT (là thuế gián thu) nên tác động gián tiếp đến tiêu dùng, làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm đi. Khi mặt bằng giá cả tiêu dùng giảm sẽ tiết kiệm chi tiêu cho người dân, khi cùng với lượng hàng hóa như vậy nhưng người tiêu dùng chỉ phải bỏ ra ít tiền hơn để mua. Như vậy, giảm thuế GTGT sẽ hỗ trợ tiêu dùng, tùy mặt hàng được giảm thuế mà có tác động nhiều hay ít nhưng nói chung hỗ trợ này sẽ khuyến khích, thúc đẩy “cầu” của người dân và làm cho cầu hàng hóa tăng lên.

Tuy nhiên, đối với Nhà nước, khi giảm thuế GTGT thì ngân sách cũng sẽ bị giảm thu từ loại thuế này. Nhưng mặt khác, giảm thuế GTGT sẽ tác động lên giá tiêu dùng, giúp mặt bằng giá tiêu dùng giảm. Điều này có tác động tốt trong việc kiềm chế lạm phát, nên đó lại là điều tích cực đối với điều hành kinh tế vĩ mô. Độ lan tỏa của chính sách này rất tốt, vì giảm thuế GTGT sẽ tác động đến hầu hết giá cả các mặt hàng tiêu dùng nói chung.

PV: Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm 2% thuế GTGT cần phải được thực hiện ở tất cả các ngành hàng mới đem lại tác động tốt, chứ không phải chỉ một số mặt hàng như Nghị định 15/2022/NĐ-CP đang quy định. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tất nhiên, giảm thuế là điều mà ai cũng muốn, giảm thuế GTGT cho tất cả các mặt hàng thì sẽ là điều tốt cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn, nên cũng phải cân nhắc. Việc giảm 2% thuế GTGT đối với đa số các nhóm mặt hàng cũng là nỗ lực rất lớn của Nhà nước lúc này. Thêm nữa, trong đợt dịch vừa qua, có một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng ít hơn bởi Covid-19, thậm chí có ngành vẫn tăng trưởng tốt như lĩnh vực công nghệ thông tin, trang thiết bị y tế… nên không cần thiết phải giảm thuế GTGT. Vì vậy, việc Nhà nước đưa ra chính sách giảm GTGT có phân biệt (một số mặt hàng không được hưởng chính sách này) là phù hợp.

PV: Hiện nhiều doanh nghiệp còn đang “lấn cấn” và than khó trong quá trình thực thi chính sách này. Ông có khuyến nghị gì cho cơ quan thuế cũng như doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng được hưởng lợi, giúp chính sách phục hồi đạt được như kỳ vọng?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Nói chung, mọi chính sách đều có mặt tích cực và có những tác động không mong muốn. Chính sách giảm thuế GTGT cũng vậy, có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có nhiều điểm khó khăn và phức tạp bởi có một số mặt hàng không được hưởng hỗ trợ này nên cũng đặt ra một số vướng mắc.

Đó là tính phức tạp khi áp dụng, thể hiện ở việc, trong cùng một hóa đơn bán hàng nhưng có mặt hàng được giảm thuế GTGT 2%, có mặt hàng không được giảm thì xuất hóa đơn trong trường hợp đó như thế nào cũng là một lấn cấn đối với DN. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, DN và người dân còn khá nhiều sự lúng túng trong triển khai thực hiện khi áp mã hàng hóa dịch vụ có thuộc phụ lục áp dụng trong Nghị định 15 để được giảm thuế hay không. Bên cạnh đó, có nhiều DN đầu vào nhập khẩu nhưng đầu ra là sản xuất tiêu dùng trong nước, đầu vào nhập khẩu GTGT 10% đã tính rồi thì đầu ra áp dụng mức thuế 8% sẽ như thế nào…

Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến tất cả DN và người dân giúp họ hiểu được chính sách và vận dụng đúng. Điều này rất quan trọng bởi thực tế hiện nay, rất nhiều người chưa hiểu được chính sách này.

Đặc biệt, cần mở kênh thông tin hay đường dây nóng để người dân, DN vướng mắc chỗ nào cần hướng dẫn, giải đáp là cơ quan thuế có thể hỗ trợ được ngay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng không phải mới ở Việt Nam

Theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, về nguyên tắc, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ làm giảm giá cuối cùng của hàng hóa dịch vụ mà người tiêu dùng phải chi trả. Nói cách khác là người tiêu dùng sẽ mua được nhiều hơn so với cùng một số tiền trước đây, hay cùng một số lượng hay dịch vụ thì số tiền phải trả là ít hơn. Hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn là một trong những lý do quan trọng khiến cho động lực tiêu dùng tăng lên. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng thực tế không phải là mới, vì vào năm 2009 Việt Nam đã áp dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thảo Miên (thực hiện)

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công