Trang thông tin điện tử về tài sản công

Quản lý tài sản công đã tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước

18:24 | 01/03/2022 Print
Trong năm 2021, thông qua công tác xử lý tài sản công, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương đã giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Tài chính đặt trọng tâm công tác quản lý tài sản công vào việc sửa đổi, bổ sung một số quy định ở những lĩnh vực còn tiềm năng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Quản lý tài sản công đã tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Quản lý tài sản công đã tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Báo cáo Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng tài sản công năm 2021 của Bộ Tài chính cho thấy, tới nay, thông qua các nguồn thu từ khai thác, xử lý tài sản công, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất năm 2021 đã cho số thu từ đất đạt gần 200 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước trong điều kiện hiện nay, và hoạt động quản lý tài sản công đã tạo ra nguồn thu từ nhà, đất hàng năm chiếm khoảng 12% tổng thu hằng năm.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.564 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan Trung ương. Đây là hoạt động quản lý nhằm bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp lại, đồng thời xử lý kịp thời trụ sở, tài sản khác dôi dư, tránh thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của nhà nước. Cơ quan quản lý xác lập rõ việc giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu, từng bước nắm chắc, đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công; tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp...

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đặt trọng tâm công tác quản lý tài sản công vào việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết; đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công; hướng dẫn xử lý các vấn đề về trưng mua, trưng dụng tài sản, tiếp nhận tài sản cho tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công...

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ chú trọng thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước... đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây đều là những lĩnh vực còn tiềm năng thu, góp phần bảo đảm cân đối ngân sách của các cấp chính quyền địa phương cũng như tổng thu ngân sách nhà nước./.

An Nhi

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công