Trang thông tin điện tử về tài sản công

Sửa Luật đấu giá để ngăn chặn đấu giá ảo

11:39 | 10/03/2022 Print
Hiện tượng các doanh nghiệp bỏ giá đấu giá cao rồi chấp nhận bỏ cọc, xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đã đẩy giá nhà, đất tại nhiều khu vực bị đẩy lên mức rất cao. Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh kiến nghị phải tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản”; sửa Luật Đấu giá để kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn hiện tượng đấu giá ảo, gây hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản.

Lợi dụng đấu giá để thổi giá nhà, đất lên cao

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, việc doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

HoREA: Đấu giá đất rồi bỏ cọc gây nhiều hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản
Hình ảnh đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại phiên đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm. Ảnh: TL

Theo HoREA phân tích, việc doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc mà nếu không được xử lý nghiêm minh, kịp thời sẽ tác động xấu, làm suy giảm hiệu lực và tính công khai, công bằng của phương thức đấu giá tài sản thuộc sở hữu toàn dân, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Cùng với đó, do một số quy định pháp luật về đấu giá tài sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có các lỗ hổng, kẽ hở nên đã bị các nhà đầu tư lợi dụng các lỗ hổng, kẽ hở pháp luật này, biểu hiện qua việc doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc sẽ gây ra thiệt hại cho thị trường bất động sản.

Theo báo cáo của HoREA, ngay sau các cuộc đấu giá đất đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá ảo để thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà, giá căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương tăng rất cao.

Đặc biệt hơn, nếu các đầu nậu, doanh nghiệp bất lương lợi dụng giá trúng đấu giá ảo, thiết lập mặt bằng giá mới rất cao để đầu cơ, lũng đoạn thị trường thì sẽ dẫn đến tác hại rất lớn đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản và sẽ là một yếu tố đẩy giá nhà lên cao làm cho đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Nâng cao chất lượng “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” chặn đấu giá đất ảo

Trước hiện tượng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật bỏ giá đấu giá cao rồi chấp nhận bỏ cọc, xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, lãnh đạo HoREA cho rằng, cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo HoREA, việc nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, bắt đầu từ công tác xác định giá khởi điểm đấu giá nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng đấu giá cuội, đấu giá có quân xanh - quân đỏ, ngăn ngừa hành vi thông đồng giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá, hoặc hành vi thông đồng giữa nhà đầu tư với người của cơ quan tổ chức đấu giá, hoặc hành vi của phần tử xấu ngoài xã hội can thiệp trái pháp luật vào các cuộc đấu giá, đấu thầu.

HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng cường rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất và kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản để đảm bảo an toàn tín dụng.

Ngoài việc đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản”, HoREA cũng kiến nghị sửa đổi loạt cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản. Theo đó, HoREA kiến nghị, xử phạt nghiêm khắc đối với trường hợp người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc, theo hướng xử phạt người bỏ cọc vừa bị mất tiền đặt cọc, vừa bị nộp phạt một khoản tiền có thể khoảng 10% giá trúng đấu giá để răn đe, ngăn chặn được hành vi người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc như đã xảy ra vừa qua.

HoREA cũng đề xuất, không nên áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp. Bởi khi áp dụng quy định đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa phân biệt trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, có sự khác biệt rất lớn so với trường hợp đấu giá tài sản đơn lẻ như nền nhà, căn hộ, bất động sản, tài sản thanh lý…, để quy định hình thức đấu giá phù hợp.

Bên cạnh đó, việc xác định giá đất cụ thể để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thực tiễn cho thấy, các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai vẫn còn bất cập, chưa đảm bảo việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường đã dẫn đến giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất rất thấp so với giá đất trúng đấu giá vừa qua càng cho thấy các bất cập của các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất./.

Văn Tuấn

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công