Trang thông tin điện tử về tài sản công

Vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công bị xử phạt theo quy định của pháp luật

12:05 | 14/03/2022 Print
Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra sai phạm trong quản lý tài sản công khi mang tài sản nhà nước đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, hay vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công. Ông Nguyễn Tân Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý công sản- Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đang nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính văn bản khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Xử lý theo từng cấp độ vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công

Ông Nguyễn Tân thịnh cho biết, công tác quản lý tài sản công (TSC) là một bộ phận quan trọng trong công tác quản lý tài chính. Từ khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 đến nay, công tác quản lý TSC đã đạt được những kết quả quan trọng như: Đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng TSC. Đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công bị xử phạt theo quy định của pháp luật
Vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công bị xử phạt theo quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, đã hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC để quản lý thông tin, dữ liệu của đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng TSC thời gian vừa qua.

Đặc biệt, công tác quản lý, sử dụng TSC đã tạo nguồn thu cho NSNN (tổng số thu từ nhà, đất hàng năm chiếm khoảng 12% tổng thu NSNN), góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo cân đối ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, thông qua các nguồn thu từ khai thác, xử lý TSC, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra một số vi phạm trong việc quản lý tài sản công tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị (mang tài sản nhà nước đi thế chấp ngân hàng để vay vốn, vi phạm đấu thầu trong mua sắm tài sản công…).

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, hiện tài sản công (TSC) được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật có liên quan. Việc quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về dân sự...

Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm này sẽ được thực hiện theo các pháp luật đó.

Còn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, Luật Quản lý, sử dụng TSC đã quy định rất rõ: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Quy định đã rõ, cần siết chặt kiểm tra, giám sát

Cũng theo ông Nguyễn Tân Thịnh, các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC cơ bản đã được thiết lập một cách tương đối đầy đủ, đồng bộ và có tính răn đe. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2019, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC; thực hiện nghiêm Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, cảnh báo về vấn đề sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, về mua sắm tập trung... Cục Quản lý công sản đang nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính có văn bản khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC; chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

An Nhi

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công