Trang thông tin điện tử về tài sản công

Quý I/2022 cả nước thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 460 nghìn tỷ đồng

12:59 | 04/04/2022 Print
Theo Bộ Tài chính, quý I/2022 thu ngân sách nhà nước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa có nhiều khoản tiến độ đạt khá, song việc miễn giảm thuế, phí và những ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới vẫn có tác động không thuận lên tiến độ thu ngân sách 3 tháng đầu năm.
Quý I/2022 cả nước thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 460 nghìn tỷ đồng
Quý I/2022 cả nước thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 460 nghìn tỷ đồng. Biểu đồ: HV

Có 9/12 khoản thu nội địa tiến độ đạt khá

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3 ước đạt 132,58 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó: Thu nội địa tháng 3 ước đạt 105 nghìn tỷ đồng, bằng 92,5% số thu tháng trước. Lũy kế thu quý I/2022 ước đạt 375,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó: có 9/12 khoản thu nội địa tiến độ đạt khá (đạt trên 25% dự toán).

Thu từ dầu thô tháng 3 ước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I/2022 đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3 ước đạt 22,38 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I/2022 đạt 70,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 107 nghìn tỷ đồng, bằng 30,4% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 36,38 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán.

Kết quả thu nội địa đạt khá phản ánh sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03%, sản xuất công nghiệp tăng 7,07%, một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng trưởng khá (như: sản xuất thiết bị điện; sản xuất trang phục, da; sản phẩm điện tử, máy tính...).

Tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2021: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 27,5% dự toán, giảm 2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30% dự toán, giảm 10,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 34% dự toán, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số khoản thu có tăng trưởng so cùng kỳ năm 2021 như: thuế thu nhập cá nhân tăng 20,7%, chủ yếu nhờ tăng thu từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán...; thuế bảo vệ môi trường tăng 7,1% do lượng tiêu thụ xăng dầu trong quý I/2022 tăng; lệ phí tăng 4,7% nhờ tăng thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, lệ phí trước bạ chuyển nhượng nhà đất; thu tiền cho thuê đất tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất tăng 21% so cùng kỳ năm 2021...

Có 3 khoản thu tiến độ đạt thấp là thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 17,4% dự toán), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 22,5%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 22,8% dự toán, chủ yếu do chưa phát sinh thu tiền bán vốn NSNN đầu tư tại các doanh nghiệp).

33 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ

Ước tính cả nước có 59/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I/2022 đảm bảo tiến độ dự toán (trên 25%); 33/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 30 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới thu ngân sách

Theo nhận định của Bộ Tài chính, dù có nhiều khoản thu đạt tiến độ khá, nhưng diễn biến số thu nội địa đã phản ánh sát tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm vẫn còn khó khăn; dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại ở nhiều địa phương; kết hợp với ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu và giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đồng thời, việc triển khai các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong quý I và những tháng tới. Ước tính đến hết quý I/2022, tổng số thuế được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định khoảng 9 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách. Trong quý I, cơ quan Thuế cũng đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN; kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn để đưa vào quản lý thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tính đến hết ngày 15/3/2022, cơ quan Thuế đã thực hiện gần 4,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 90,5 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 4.255 tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN 1.052 tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ 3.204 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế đến hết quý I là 7.250 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/3/2022, Cơ quan Hải quan đã thực hiện 168 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó kiểm tra sau thông quan là 147 cuộc), xử lý thu vào NSNN 44,7 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 3,7 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 1,28 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 69 tỷ đồng.

Chi 913 tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân

Theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối NSNN tháng 3 ước đạt 132,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I/2022 đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I/2022 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 518,1 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong quý I/2022, các bộ, cơ quan trung ương tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao (đến hết tháng 3 tổng số vốn phân bổ đạt 97,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); đồng thời vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao kế hoạch, ngoài ra một số dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng,... nên tiến độ giải ngân vốn quý I chậm. Có 4 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 20% kế hoạch, trong khi 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 29/63 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới mức bình quân chung cả nước (11,03%), trong đó có 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân số vốn được giao.

Về cân đối ngân sách, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong quý I (tính đến ngày 25/3/2022), đã thực hiện phát hành 41,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,85 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.

MA

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công