Trang thông tin điện tử về tài sản công

Giải ngân vốn đầu tư công: Phải bứt phá ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm

11:00 | 30/03/2022 Print
Xác định việc giải ngân chậm ngày nào sẽ làm cho nền kinh tế chậm phục hồi ngày đó, nên Bộ Tài chính đang kiến nghị nhiều giải pháp giúp cho công tác giải ngân nguồn vốn này được bứt phá ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm.

Mới giải ngân đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Theo Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm mới thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2022 được trên 61.536 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả trên là thấp so với cùng kỳ năm 2021, vì cũng thời điểm này của năm 2021, tỷ lệ này là 13,17%.

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân thấp là do tại Quyết định số 2048/QĐ- TTg ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ- TTg về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, ngành, địa phương (đợt 2). Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Hơn nữa, 3 tháng đầu năm các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng.

Đặc biệt, đối với nguồn vốn ODA hầu như cũng chưa thực hiện giải ngân, khi hết 3 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới đạt chưa đến 1%. Nguyên nhân là do các dự án đang triển khai đàm phán với đối tác và triển khai lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đối tác nước ngoài…

Với các nguyên nhân này, theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, hiện có 4 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Có 46 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%).

Đáng chú ý, chỉ còn vài ngày nữa là hết quý I/2022, nhưng vẫn còn 29 bộ và cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao, như các bộ, cơ quan trung ương: Ngoại giao, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Giáo dục - Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

Nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân

Rốt ráo với công tác giải ngân, ngày 12/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 126/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong công việc này với mục tiêu đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2022.

Góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo động lực phục hồi nền kinh tế, Kho bạc Nhà nước cũng đã linh hoạt trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với 2 cơ chế kiểm soát là “Kiểm soát trước, thanh toán sau” và “Thanh toán trước, kiểm soát sau”. Đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành. Đối với các khoản thanh toán còn lại, Kho bạc Nhà nước cũng quy định tối đa không quá 3 ngày làm việc. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì ở đó có kết quả giải ngân cao và ngược lại. Chính vì thế, theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, ngoài các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt khá và bằng so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước, hoặc chưa thực hiện giải ngân thì vẫn có một số bộ, địa phương bứt phá hơn hẳn. Đơn cử như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến hết quý I/2022 giải ngân đạt trên 47%; tỉnh Thái Bình đạt gần 34%; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt trên 32%; Bộ Xây dựng đạt trên 29% và tỉnh Lai Châu đạt gần 29%.

Để không lỡ nhịp trong tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước và để chấm dứt tình trạng dồn việc giải ngân vào cuối năm, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và công văn số 1684/VPCP-KTTH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Về việc phân bổ vốn, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2022 theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao./.

V.H

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công