Trang thông tin điện tử về tài sản công

Ngăn chặn kịp thời các sai sót trong quản lý, sử dụng tài sản công

08:00 | 28/03/2022 Print
Để ngăn chặn các sai sót trong quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện toàn diện các giải pháp về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thể chế, chính sách chưa đồng bộ, phân tán

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế nhận thức về tầm quan trọng của tài sản công (TSC) và công tác quản lý đã được nâng lên một bước. Theo đó, hệ thống tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý TSC ngày càng được kiện toàn ở tất cả các cấp. Tuy vậy, công tác này cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định, đó là: TSC có phạm vi rộng (do nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý, sử dụng); công tác xây dựng cơ chế, vận hành do nhiều cơ quan thực hiện. Đặc biệt, thể chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng TSC chưa đồng bộ giữa các luật như: Luật Đất đai, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu…

Thực hiện toàn diện các giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công
Lãng phí từ những khu chợ tiền tỷ bị bỏ hoang.

Đồng thời hiện nay, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC phụ thuộc nhiều vào quy định và công tác tổ chức thực hiện của nhiều pháp luật có liên quan: pháp luật về định giá đất (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì), pháp luật về đấu giá tài sản (do Bộ Tư pháp chủ trì), pháp luật về đấu thầu (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì)… Một số người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức tới công tác quản lý, sử dụng TSC được giao. Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý một cách triệt để đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nguồn nhân lực để quản lý TSC còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác này…

Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra các sai phạm trong quản lý, sử dụng TSC. Các lỗi vi phạm tập trung ở lĩnh vực đấu thầu mua sắm tài sản; mang tài sản nhà nước đi thế chấp ngân hàng để vay vốn… Do đó, đã có nhiều kiến nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện công tác đấu thầu mua sắm tài sản công cũng như có những xử lý nghiêm với những sai phạm trong quản lý, sử dụng TSC, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, tham ô tham nhũng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, quyền lợi của người dân.

Chấn chỉnh để quản lý tài sản công đi vào nề nếp

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, hiện TSC được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật có liên quan. Đơn cử như việc quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về dân sự...; hay việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Quản lý, sử dụng TSC đã quy định cụ thể việc mua sắm TSC phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với TSC thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Để việc quản lý tài sản công đi vào nề nếp, cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý TSC. Tại công văn, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý TSC theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí TSC.

Đối với việc mua sắm tập trung, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương yêu cầu đơn vị mua sắm tập trung thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ và giá mua tối ưu; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung...

Ngày 21/3 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC và pháp luật về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý tăng cường việc thực hiện Nghị định số 63/2019/NĐ-CP và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và trách nhiệm tổ chức thi hành đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC, bảo đảm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.

Với các giải pháp đã và đang thực hiện, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) hy vọng các sai phạm trong quản lý, sử dụng TSC sẽ dần được loại bỏ. Việc quản lý, sử dụng TSC được nghiêm minh, đúng pháp luật để TSC phát huy nội lực, giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước./.

Vân Hà

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công