Trang thông tin điện tử về tài sản công

Bộ Tài chính triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

12:00 | 12/03/2022 Print
Ngay từ khi các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính đã rốt ráo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã có những chính sách ưu đãi về thuế, phí đến với người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất nhiều chính sách miễn, giảm thuế

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay lập tức, Bộ Tài chính đã có văn bản phân công, phân nhiệm đến các đơn vị trong bộ tổ chức thực hiện 18 nhiệm vụ, giải pháp tài khóa được giao chủ trì và 13 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các bộ, cơ quan khác, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể.

Trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt các chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cụ thể như: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022), quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Cùng với đó là Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 quy định về lệ phí trước bạ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2022), bổ sung mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) áp dụng đối với ô tô điện chạy pin (trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi).

Nguồn: Nghị định số 10/2022/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Nghị định số 10/2022/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân

Về báo cáo cấp có thẩm quyền phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện chương trình, từ đầu tháng 1/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi luật thuế nêu trên.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia, đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện báo cáo rà soát Luật thuế TTĐB, trình Chính phủ trước ngày 31/3/2022 theo đúng tiến độ.

Đối với quy định việc giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP và Nghị định số 104/2020/NĐ-CP (dự kiến trình trong quý II/2022) để đề xuất giải pháp phù hợp.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình

Cùng với việc thực hiện các giải pháp tài khóa triển khai chương trình, còn nhiều phần việc Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai.

Về kế hoạch vay, trả nợ hàng năm, căn cứ dự thảo nghị quyết về hạn mức bảo lãnh chính phủ năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo kế hoạch vay, trả nợ năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết về hạn mức bảo lãnh chính phủ.

Liên quan đến rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 2 năm 2022 - 2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc phạm vi quản lý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát, tổng hợp danh mục 10 dự án chuyển đổi số, công nghệ thông tin, với nhu cầu vốn là 2.063 tỷ đồng, trong đó chi tiết phương án phân bổ vốn cho từng dự án và trong từng năm 2022, 2023.

Đối với việc cho học sinh, sinh viên vay để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành và triển khai theo đúng tiến độ.

Về nguồn lực thực hiện chương trình, hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát số tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để xây dựng phương án sử dụng nguồn này. Trong đó có việc dành nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-TW/NQ của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, một số nội dung chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và dành khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động theo Nghị quyết 11/NQ-CP..., báo cáo Chính phủ trong tháng 3/2022.

Trên cơ sở rà soát nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc bổ sung dự toán chi đầu tư cho chương trình năm 2022, bao gồm cả các nhiệm vụ tín dụng; cập nhật tác động của chương trình tới khả năng thu ngân sách năm 2022, Bộ Tài chính sẽ xác định nhu cầu nguồn lực cho chương trình năm 2022 theo quy định và trình Chính phủ theo kế hoạch đề ra./.

M.A

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công