Trang thông tin điện tử về tài sản công

Kiên quyết thu hồi dự án “treo” tránh lãng phí nguồn lực đất đai

11:11 | 25/05/2022 Print
Kiên quyết thu hồi đất là biện pháp tốt nhất để tránh lãng phí nguồn lực đất đai đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích… Bên cạnh đó, tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án nhiều năm rồi nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Báo cáo số 43 của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, trong giai đoạn từ năm 2015-2018, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362ha đất.

Để thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg (ngày 3/1/2018) của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai.

Kiên quyết thu hồi dự án “treo” tránh lãng phí nguồn lực đất đai
Kiên quyết thu hồi dự án “treo” tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: TL

Theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2ha. Trong đó, có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.

Ngoài ra, còn có 732 dự án với diện tích là 7.488ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm làm thủ tục giao đất, thuê đất để triển khai thực hiện dự án và 289 dự án với diện tích 12.632,9ha đã có quyết định, thông báo thu hồi đất để giao đất đã lâu nhưng không thực hiện.

Kết quả xử lý vi phạm tại 38 tỉnh trong số 48 tỉnh có báo cáo, cho thấy đã thực hiện xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9ha. Trong đó, thu hồi đất của 309 dự án với diện tích 9.033,5ha, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 195 dự án với diện tích 798,5ha.

Ngoài ra, còn hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án với diện tích 5.387.8ha, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án với tổng diện tích 7.488ha.

Theo bản Tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân (của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) phản ánh tới Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai; Chỉ đạo giải quyết thấu đáo những vấn đề tồn đọng về đất đai do lịch sử để lại, nhất là tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.

Báo cáo Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 3 vào chiều 23/5/2022, bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra. Chưa linh hoạt, kịp thời trong việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành. Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nêu rõ tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.

Tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép… chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương một số nội dung: Chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng...

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện./.

B.M

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công