Trang thông tin điện tử về tài sản công

Ngân hàng tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, dòng tiền chảy vào bất động sản bị thu hẹp

06:00 | 01/06/2022 Print
Một số thông điệp cho thấy các ngân hàng sẽ giảm tốc tín dụng vào nửa cuối năm và điều này có thể sẽ khiến cho dòng tiền chảy vào bất động sản bị thu hẹp. Lý do là tín dụng ngân hàng đã có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong mấy tháng qua, khiến ngân hàng phải thu hẹp một số nhóm đối tượng cho vay để không bị vượt hạn mức tín dụng, trong khi các ngân hàng sẽ phải tập trung dòng tiền cho những lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng có thể bị hãm phanh

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chưa đưa ra thông điệp chính thức nào cho biết sẽ siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, diễn biến thời gian gần đây cho thấy tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng đã tăng tốc khá nhanh trong những tháng đầu năm, và nếu NHNN không mở thêm hạn mức tín dụng (giới tài chính thường gọi là “room”) thì tự bản thân các ngân hàng sẽ phải “lựa cơm gắp mắm” trong thời gian còn lại của năm 2022. Trong bối cảnh này, các ngân hàng sẽ phải ưu tiên dòng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gồm: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Những dự báo của giới tài chính cho thấy, tín dụng trong những tháng tới có thể phải “hãm phanh” xuất phát từ diễn biến tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2022 đã đạt tốc độ khá cao.

Quý I/ 2022, tín dụng cũng đã tăng 5,04%, mức tăng trưởng cao vượt trội so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái, cụ thể tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 1,26%.

Dòng vốn chảy vào bất động sản đang thu hẹp so với trước.
Dòng vốn chảy vào bất động sản đang thu hẹp so với trước.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4/2022 cũng đã đạt 6,75% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 mà ngành Ngân hàng đặt ra chỉ khoảng 14%. Với bối cảnh này, qua 4 tháng đầu năm, các ngân hàng đã “tiêu” hết khoảng nửa chỉ tiêu tín dụng cả năm và theo đó, giới ngân hàng sẽ chỉ còn khoảng 50% số chỉ tiêu tăng trưởng cho 8 tháng còn lại nếu như NHNN không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay.

Thực tế diễn biến qua các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng phần nào cho thấy, ngân hàng cũng chịu một phần sức ép của các cổ đông đối với việc cho vay bất động sản. Theo đó khi chia sẻ với các cổ đông, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại nhìn nhận dòng vốn chảy vào bất động sản đang thu hẹp so với trước, đặc biệt sau diễn biến của vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm và tác động từ việc hủy các lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Dự báo sẽ “khan” vốn hơn cho bất động sản

Tín dụng tăng tốc một phần do nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, ở trong nước, với tiến trình mở cửa nền kinh tế, cập nhật chiến lược phòng, chống dịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Theo đó, thị trường tài chính cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này cùng với tác động của những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ, các cơ quan chức năng, thị trường được kỳ vọng phát triển ổn định, bền vững hơn.

Theo kế hoạch của NHNN đưa ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022, NHNN cho biết cũng đặt ra mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát. Trong đó, chỉ tiêu lạm phát năm 2022 bình quân năm khoảng 4%.

Có sự phân định nhu cầu vay vốn mua nhà ở của người dân và vay vốn đầu tư bất động sản

Thực tế, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm 2022 cũng không thể hiện “khóa van” hoàn toàn với bất động sản mà vẫn mở cửa với các nhu cầu vay vốn của người dân để đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Theo đó, tín dụng cho vay mua nhà phục vụ nhu cầu thực có thể không nằm trong chủ trương bị “siết” như thông điệp của Ngân hàng Nhà nước, nhưng các nhu cầu vay mua nhà có tính chất đầu tư có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận dòng vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, diễn biến lạm phát thời gian qua và dự báo các tháng sắp tới có thể sẽ là một trong những áp lực lớn cho ngành Ngân hàng trong việc kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng thời gian qua đang tạo nên sức ép với giá tiêu dùng trong nước, đồng thời tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng có thể “lây lan” sang Việt Nam do thông thương hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh này, giới chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát tín dụng chính là một trong những giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của khả năng lạm phát thời gian tới. TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện Ngân hàng cho biết, bối cảnh hiện nay cần thực sự quan tâm đến việc điều phối tăng trưởng tín dụng cũng như điều tiết thanh khoản giữa các ngân hàng.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát tránh tín dụng tăng trưởng quá nóng là cần thiết, bởi nếu tín dụng tăng quá cao có thể dẫn tới nhiều hệ lụy dài hạn. Bởi lẽ, nguy cơ lạm phát cao vẫn hiển hiện, kết hợp với việc kiểm soát dòng tiền nóng chảy vào thị trường đầu cơ như bất động sản, một số nhóm cổ phiếu... Nguy cơ nợ xấu gia tăng cũng vẫn còn, nên nếu dòng vốn từ tín dụng không được kiểm soát tốt đều có thể làm gia tăng rủi ro./.

C.T

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công