Trang thông tin điện tử về tài sản công

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Cần gỡ bỏ nhiều nút thắt từ cơ chế

16:06 | 10/06/2022 Print
Tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương vừa được 6 tổ công tác của Chính phủ kiểm tra, đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho thấy, nhiều "nút thắt" nằm ở cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ.

Nút thắt từ ngay các thể chế, chính sách

Tổng hợp từ 6 tổ công tác của Chính phủ, đại đa số vướng mắc mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang gặp phải nằm ở các thể chế, quy định của pháp luật.

Đơn cử như Luật Đầu tư công quy định: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương (NSĐP) cho phép kéo dài thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, HĐND cấp huyện, xã quyết định chủ trương đầu tư và quyết định việc giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm đối với các dự án sử dụng ngân sách huyện, xã. Điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.

Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn NSĐP, Luật Đầu tư công quy định: HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn NSĐP do thay đổi nhu cầu sử dụng, hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, bởi việc điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị phải chờ đến kỳ họp HĐND. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp do không thể điều chuyển vốn từ những dự án ít hoặc không có khả năng giải ngân sang những dự án đang cần vốn, tiến độ thi công đạt và vượt kế hoạch.

Nhiều “nút thắt” cần giải quyết trong giải ngân vốn đầu tư công
Nhiều “nút thắt” cần giải quyết trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngoài ra, Luật Đầu tư công quy định tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập để thực hiện trước. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Đối với các loại dự án còn lại, việc GPMB chỉ được triển khai tại bước thực hiện dự án, tức là sau khi dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch.

Một nguyên nhân nữa cũng được nhiều bộ, ngành, địa phương nêu ra là việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo Nghị định số 15/2021/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị định đã quy định, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ giao; dự án nhóm A, nhóm B do người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư.

Như vậy, các dự án nhóm A, nhóm B phải trình Bộ Xây dựng thẩm định. Trong khi đó, các dự án nằm ở các địa phương khác nhau, thời gian di chuyển, phối hợp trình nộp, bổ sung hồ sơ thẩm định kéo dài, mất nhiều thời gian, công sức đã ảnh hưởng đến thời gian tổ chức thực hiện dự án.

Sửa đổi thể chế theo hướng tăng cường phân cấp hơn nữa

Từ các khó khăn, vướng mắc được nêu ra, các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị sửa đổi thể chế theo hướng tăng cường phân cấp hơn nữa. Cụ thể, về thời gian thực hiện và giải ngân vốn, để đảm bảo tính thống nhất, các địa phương đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với nguồn ngân sách tỉnh; HĐND cấp huyện, xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn ngân sách huyện, xã trong trường hợp bất khả kháng...

Việc tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB thành dự án độc lập và quy định việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, các địa phương cũng đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh quy định của Luật Đầu tư công phù hợp với thực tiễn theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB riêng và xem đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án. Đồng thời, giao cơ quan chuyên môn xây dựng cấp tỉnh thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ 6 tổ công tác, nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vẫn nằm ở yếu tố chủ quan là chính, khi công tác tổ chức thực hiện tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn hạn chế… Theo đó, sau khi nắm bắt các vướng mắc cũng như đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, 6 tổ công tác của Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Mỗi bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ là người trực tiếp đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất đối với từng dự án do mình thực hiện./.

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công