Trang thông tin điện tử về tài sản công

Lợi ích "kép" từ chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản

10:55 | 06/07/2022 Print
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản không chỉ mang lại nhiều cơ hội cho khách hàng tiếp cận sản phẩm cũng như giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các chiến dịch marketing hấp dẫn, hiệu quả, nhanh chóng.
Việc ứng dụng công nghệ trong giao dịch vẫn chưa thực sự được nhiều DN BĐS quan tâm
Lợi ích "kép" từ chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản. Ảnh: TL

Xu hướng tất yếu

Chị Lê Hoàng Mai, (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hầu hết các giao dịch mua sản phẩm của gia đình chị đều thực hiện bằng công nghệ số thông qua app bán hàng và trang tin điện tử. Ngay cả sản phẩm giá trị lớn là nhà ở khi tìm hiểu để quyết định “xuống tiền”, chị cũng chủ yếu thực hiện online.

“Nhiều người lo ngại việc mua nhà mà xem thiết kế và thông tin sản phẩm qua online vì đây là sản phẩm có giá trị lớn nhưng tôi thì suy nghĩ ngược lại. Tôi thấy việc tìm hiểu thông tin sản phẩm bằng hình thức online rất tiện lợi, tiết kiệm nhiều thời gian, tranh thủ thời gian rảnh chỉ cần ngồi lướt website, ưng sản phẩm ở khu vực nào sẽ liên hệ, bố trí lịch đến để chốt mua hàng. Tôi cũng đã 3 lần mua nhà, khi tìm hiểu thông tin đều thông qua online, khi ký hợp đồng mới gặp trực tiếp” - chị Mai nói.

Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản không còn xa lạ đối với thị trường. Số liệu khảo sát của Hiệp hội Công nghệ phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin

Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 68 triệu người dùng internet, chiếm 73% dân số, tỷ lệ này tiếp tục tăng đều theo hàng năm. Trong bối cảnh đó, hoạt động kinh doanh bán hàng nói chung và kinh doanh bất động sản nói riêng chuyển dịch từ bán hàng offline sang online đang diễn ra mạnh mẽ, nhằm thích ứng với sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, công nghệ số trong bán hàng đã đạt bước tiến vượt bậc. Việc nâng cấp ứng dụng công nghệ toàn diện vào thị trường bất động sản là xu hướng phát triển tất yếu.

Trước đây, khi mua căn hộ, nhà ở, khách hàng thường được xem mô hình mô phỏng dự án và chờ đến khi căn hộ mẫu được xây dựng hoàn thiện để có thể tham quan trực tiếp. Hoặc khi khách hàng có nhu cầu mua sắm bất động sản ở xa, phải sắp xếp thời gian, công việc để đến tham quan, tìm hiểu tình trạng thực tế căn hộ, gây ra nhiều bất tiện cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp.

Theo Tổng Giám đốc Đông Dương Land Lò Thị Dung, nắm bắt được những thay đổi về hành vi của khách hàng, trong quá trình hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn quan tâm đầu tư vào ứng dụng công nghệ 3D, VR, BigData... nhằm cung cấp cho khách hàng thông tin tổng quan về dự án, thiết kế sản phẩm đến từng chi tiết như diện tích, công năng, thiết kế nội thất... để khách hàng có thể tương tác và khám phá sản phẩm như đang xem trực tiếp thực tế. Trên 70% doanh thu bán hàng của chúng tôi thời gian gần đây đều thực hiện giao dịch qua những nền tảng ứng dụng công nghệ.

Ứng dụng công nghệ vào giao dịch bất động sản "đi từ từ theo lộ trình dài hạn"

Qua đánh giá sơ bộ của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giải pháp về công nghệ trong kinh doanh bất động sản giúp người mua không phải tốn quá nhiều chi phí vẫn có thể tiếp cận với sản phẩm và giúp người bán tìm kiếm người mua, giới thiệu bất động sản phù hợp nhất, các doanh nghiệp bất động sản lớn đang dẫn dắt sự chuyển dịch này như: Vingroup, Đất Xanh, Cenland... Qua đó, khách hàng không cần phải đến tận nơi dự án, với thông số kỹ thuật chi tiết, website có thể giúp người dùng trải nghiệm không gian hoàn chỉnh trên chính máy tính, xem chi tiết từng căn nhà.

Mặc dù đi sau so với nhiều ngành nghề khác nhưng việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, giao dịch bất động sản có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, quá trình này lại đang gặp nhiều thách thức, do nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chậm trễ trong ứng dụng, chuyển đổi công nghệ số; hay những vướng mắc về thủ tục pháp lý cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc vận hành ứng dụng công nghệ vào bán hàng.

“Hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp nên những giao dịch mua bán, cho thuê phải mất thời gian dài, có thể hàng tháng hoặc hàng năm. Cùng với đó là rủi ro về định chế ngân hàng, hay việc huy động nguồn vốn lớn từ công chúng (cổ phiếu, trái phiếu)...

Trong khi đó việc chuyển đổi một bất động sản thành hàng hóa thương phẩm (commodity) là rất khó khăn, nếu có chỉ trong một khoảng thời gian ngắn với loại hình bất động sản nhà ở sơ cấp” - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.

Bên cạnh đó, đặc thù của ngành bất động sản là phải tiếp xúc trực tiếp giữa môi giới với khách hàng, tập quán này ăn sâu vào tâm lý người Việt và giữ vai trò rất quan trọng trong giao dịch bất động sản. Hành trình trải nghiệm của khách hàng mua bất động sản thường rất dài, đặc thù giá trị giao dịch lớn nên nếu muốn khách hàng đặt niềm tin vào các ứng dụng giao dịch trong một sớm một chiều là rất khó khăn

“Cần nhìn nhận rõ, việc ứng dụng công nghệ vào giao dịch bất động sản khó có thể tiến hành trong một sớm một chiều. Chúng ta không nên tham đi nhanh, chỉ cần đi từ từ theo lộ trình dài hạn. Điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo thông tin minh bạch, đa dạng, chính xác cho người dùng. Cần khéo léo trong kết hợp giữa công nghệ và nhu cầu thực tế để mang đến trải nghiệm khách hàng tốt nhất” - CEO FPT Digital Trần Huy Bảo Giang phân tích.

Theo đánh giá, hiện nay đa phần công nghệ trong kinh doanh bất động sản chỉ đáp ứng một phần các chu trình trong giao dịch. Ví dụ như có nền tảng đáp ứng nhu cầu thông tin tìm kiếm, nền tảng chỉ để so sánh, nền tảng tài chính… mang tính phân mảnh, chưa tập hợp lại thành một nền tảng toàn diện; người dùng chưa hoàn toàn tin tưởng ứng dụng, đa phần chỉ xem online mang tính chất tham khảo. Nhưng với gần 100 triệu dân với thị trường nhà ở được định giá lên đến 24 tỷ USD, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nếu muốn tiến vào kỷ nguyên số, phải có sự chuẩn bị từ sớm.

Chi phí đầu tư công nghệ rất lớn, không phải nhà kinh doanh nào cũng chấp nhận, quan trọng để nâng cao trải ngiệm khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho nhà kinh doanh thành công trong chuyển đổi số./.

M.Vân

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công