Trang thông tin điện tử về tài sản công

Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Cần phải rút kinh nghiệm từ 3 dự án lớn từng triển khai

23:37 | 21/07/2022 Print
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành quyết toán về đích trong năm 2027, để thực hiện khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được tốt, cần phải rút kinh nghiệm từ 3 dự án lớn từng triển khai.
Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Cần phải rút kinh nghiệm từ 3 dự án lớn từng triển khai
Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Cần phải rút kinh nghiệm từ 3 dự án lớn từng triển khai. Ảnh: TL

Cụ thể, dự án Metro số 2, do công tác phối hợp giữa UBND quận 3 với các sở, ngành có liên quan chưa được tốt, dẫn đến việc UBND quận 3 chủ động thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án khi pháp lý chưa được hoàn thiện, làm phát sinh hệ quả phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất.

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, chậm một phần do công tác giải quyết khiếu kiện của hộ dân không kịp thời, dẫn đến khó khăn trong công tác vận động, hiệp thương cũng như thực hiện các biện pháp hành chính để thu hồi đất nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên trên địa bàn quận Bình Tân, đối với khoảng hơn 300 trường hợp còn lại chưa đồng ý di dời, UBND quận Bình Tân đã chủ động lên kế hoạch, thành lập 5 tổ vận động, thuyết phục do từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ quận ủy làm tổ trưởng, tích cực tuyên truyền vận động (kể cả làm việc ngoài giờ, thứ 7, chủ nhật) để các hộ dân bị ảnh hưởng đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án, với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, sớm bàn giao mặt bằng. Việc này đã đạt được kết quả rất tốt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để đảm bảo tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án, cần thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp thành phố cho dự án.

Thành phần gồm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh làm Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực làm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo và những nhân sự thuộc các sở, ngành có liên quan. Lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh phải là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm, am tường công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng như có quyết tâm, quyết đoán và đồng thời phải là chủ tịch hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tại 4 địa phương trên.

Ngoài những thành phần đã đề xuất tham gia Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tại Công văn số 5256/STNMT-BTTĐC ngày 1/7/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thêm Thanh tra TP. Hồ Chí Minh tham gia thành viên Ban chỉ đạo để kịp thời phối hợp các cơ quan giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến dự án.

Ngoài ra, cần cơ cấu thêm các ủy viên ban thường vụ cấp huyện ủy tham gia để huy động hệ thống chính trị, các đoàn thể vận động, tuyên truyền, giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và ủng hộ chủ trương thực hiện dự án; trên cơ sở đó thuyết phục người dân đồng thuận hỗ trợ cung cấp pháp lý, cho phép kiểm kê, đo vẽ trước khi ban hành thông báo thu hồi đất.

Kỳ Phương

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công