Trang thông tin điện tử về tài sản công

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực

14:00 | 24/06/2022 Print
Ngày 17/6, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phối hợp với Báo Công thương tổ chức hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số”. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số. Tốc độ chuyển đổi số sẽ quyết định thành bại. Con tàu 4.0 đang đi, không chờ ai, ai lên tàu sớm sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới…

Nhiều lợi ích từ việc chuyển đổi số

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu. Ảnh: T.L

Bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất. Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp, tài sản quá đắt đã trở thành rào cản gia nhập thị trường quá cao với hầu hết mọi người, đang ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào bất động sản. Các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Rủi ro của ngành bất động sản đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phí tài nguyên đất.

Theo ông Trương Trí Vĩnh – Phó Tổng Thư ký thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Hiện có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều nhất gồm xây dựng, du lịch, lưu trú và tài chính – ngân hàng…

Chuyển đổi số bất động sản mang lại nhiều lợi ích lớn như: tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, dòng doanh thu mới; giảm chi phí, cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng; tối ưu hóa tác động môi trường, giảm chất thải, tăng tính tuân thủ; cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cải thiện tốc độ kinh doanh, giảm rủi ro kinh doanh và công nghệ. Cách mạng công nghệ là thay đổi căn bản, là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi và trở thành cuộc đua sống còn của doanh nghiệp Việt.

Theo ông Lực, những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu; doanh nghiệp bất động sản thường hoạt động theo hướng truyền thống và ít đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác...

Doanh nghiệp chậm chuyển đổi có nguy cơ bị đào thải

Các chuyên gia đều có chung nhận định chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu. Điều này giúp minh bạch thị trường bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu, làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Nếu được số hóa, có dữ liệu thì dễ dàng quản lý, dễ dàng kinh doanh, kiểm soát tích cực, hiệu quả. Đặc biệt là tính rủi ro, tính gây thiệt hại cho thị trường sẽ bị triệt tiêu. Làm sao để mỗi bất động sản đều được số hóa. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ các nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản đều được mã hóa, số hóa".

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết thêm, tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới, kinh doanh bất động sản đã có sự hiện diện trực tuyến khá nhanh. Một số dịch vụ dựa trên công nghệ mới đã được sử dụng; hệ sinh thái proptech đang phát triển khá nhanh (năm 2021, proptech Việt Nam nhận được 40 triệu USD đầu tư – cao nhất trong 5 năm).

Theo ông Lực, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác kết nối giữa doanh nghiệp bất động sản với Proptech, với Fintech; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu…

“Doanh nghiệp bất động sản cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số. Tốc độ chuyển đổi số sẽ quyết định thành bại. Con tàu 4.0 đang đi, không chờ ai, ai lên tàu sớm sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới…”- ông Lực chia sẻ.

Các chuyên gia cũng chỉ ra Việt Nam đang hội nhập thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng bất động sản đang đi chậm do thiếu hạ tầng, thiếu dữ liệu; đặc biệt là hạ tầng, gồm cả hạ tầng của quản lý nhà nước. Việc áp dụng công nghệ số sẽ làm giảm chi phí, tăng hiệu quản kinh doanh, minh bạch dữ liệu, gợi mở các giải pháp, xu hướng công nghệ thông tin trong bất động sản; hiệu ứng hiệu quả của truyền thông đối với bất động sản; các quan điểm ứng dụng công nghệ trong lý thuyết về marketing; những ứng dụng thực tiễn cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận, ứng dụng./.

Hồng Quyên

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công