Trang thông tin điện tử về tài sản công

Thêm nguồn vốn trợ lực cho doanh nghiệp phát triển từ việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

14:00 | 04/06/2022 Print
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lý Phương Duyên - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 125 nghìn tỷ đồng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn trợ lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

PV: Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, việc gia hạn này sẽ tác động thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Cùng với các hình thức như ưu đãi, miễn giảm thuế, việc gia hạn thời gian nộp thuế cũng được coi như là một hình thức chi tiêu thuế hiệu quả, khi mà Chính phủ muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong một số ngành hay lĩnh vực nào đó trong một giai đoạn nhất định.

Với quan điểm này, lợi ích được hưởng từ việc gia hạn thời hạn nộp thuế được xem như một khoản hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ, thay cho các biện pháp trợ cấp khác từ ngân sách.

Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Thêm nguồn vốn trợ lực cho doanh nghiệp phát triển
Chính phủ tiếp tục gia hạn thuế và tiền thuê đất, tiếp thêm nguồn vốn trợ lực cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TL.

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế có những tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Thứ nhất, gia hạn thời hạn nộp thuế được coi là biện pháp hỗ trợ kịp thời nhất cho người nộp thuế (NNT), hơn các biện pháp hỗ trợ thông qua lãi suất hay các hình thức hỗ trợ tiền trực tiếp. Vì các biện pháp như lãi suất ưu đãi, chi ngân sách sẽ phát sinh thời gian xác minh đối tượng, lựa chọn đối tượng, các thủ tục hành chính để giải ngân… nên thường có độ trễ nhất định, không kịp thời cho NNT.

Thứ hai, biện pháp này hạn chế tối đa việc phát sinh thêm chi phí của Nhà nước và đảm bảo đúng đối tượng cần được hỗ trợ; thứ ba, ngoài việc được sử dụng tiền thuế như một khoản tiền vốn, NNT còn nhận được một khoản lợi ích bằng tiền nhất định, tương đương với số tiền lãi ngân hàng do được gia hạn tiền thuế phải nộp, tùy theo số thuế được gia hạn, thời gian được gia hạn và lãi suất ngân hàng…

Nếu như thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, do NNT phải trực tiếp chi trả nên việc gia hạn thuế thụ nhập doanh nghiệp được coi như một khoản nợ mà NNT được trì hoãn thì việc gia hạn thuế giá trị gia tăng còn có ý nghĩa hơn. Vì thuế giá trị gia tăng là số thuế do người tiêu dùng chi trả, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã thu từ người tiêu dùng, khi được gia hạn sẽ được xem như một số vốn huy động được từ xã hội, và số thuế phải nộp càng nhiều thì NNT càng được hưởng lợi từ số thuế được gia hạn.

Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Thêm nguồn vốn trợ lực cho doanh nghiệp phát triển
PGS.TS Lý Phương Duyên

PV: Nghị định trên nêu rõ từng sắc thuế và thời gian được gia hạn, đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn cần tận dụng ra sao để việc hỗ trợ này phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa bà?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Từng doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cụ thể sẽ tự biết sử dụng số thuế được gia hạn này sao cho hiệu quả nhất tùy thuộc vào tình hình thực tế của mình và mức độ ưu tiên các khoản chi trong doanh nghiệp hay hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo tôi, các lĩnh vực khác nhau sẽ có những ưu tiên khác nhau và NNT nên tận dụng số thuế này một cách linh hoạt. Ví như, doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ sử dụng để mua nguyên vật liệu và thanh toán các khoản nợ, tạm ứng lương cho nhân viên; nhưng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thì nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 kéo dài, khá nhiều nhân lực trong các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng đã chuyển sang công việc khác thì việc tận dụng tiền thuế để thu hút nhân lực lại là một ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ lập thứ tự ưu tiên và có thể lập như bản dự toán để phân bổ số thuế được gia hạn một cách hợp lý. Lưu ý rằng số thuế được gia hạn có các thời hạn khác nhau nên cần phải cân đối để luân chuyển tiền thuế được gia hạn một cách thông minh nhất.

PV: So với các lần gia hạn thuế và tiền thuê đất trước, bà đánh giá thế nào về những điểm mới trong nghị định này nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Nghị định lần này đã khắc phục được những điểm bất cập trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP như vấn đề thời hạn gia hạn nộp tiền thuê đất, nêu cụ thể hơn: Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022 đến ngày 30/11/2022...

Đồng thời, cũng có một số điểm mới được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho NNT. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp, bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi NNT có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh của các kỳ tính thuế từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2022 và quý I/2022 được gia hạn 6 tháng (tăng thêm 1 tháng gia hạn so với quy định tại Nghị định 52).

Trường hợp giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng hoặc theo quý thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2022 (tăng thêm 2 tháng so với quy định tại Nghị định 52) và cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp giấy đề nghị gia hạn. Như vậy, NNT sẽ có thời gian gia hạn tăng thêm, dù 1 tháng nhưng cũng hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

PV: Để chính sách trên được thực hiện nhanh và hiệu quả, theo bà, cơ quan quản lý cần triển khai hỗ trợ ra sao?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Đây là lần thứ 3 các nhóm đối tượng trên được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nên theo tôi, NNT cũng như cơ quan thuế đã có kinh nghiệm hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong lần gia hạn năm 2021. Tuy nhiên, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến thông tin một cách kịp thời và rõ ràng, đầy đủ cho NNT thì cơ quan thuế cũng cần tập hợp những vướng mắc phát sinh và cách giải quyết trong lần 1, lưu ý những điểm mới của nghị định lần này để NNT tránh bị nhầm lẫn với những quy định của nghị định trước đây.

Việc quy định thời gian gia hạn không thống nhất (6 tháng, 5 tháng, 4 tháng, 3 tháng) cũng có thể gây khó khăn cho NNT, tuy nhiên, NNT cũng phải hiểu về yêu cầu đảm bảo số thu cho NSNN trong năm 2022 nên thời hạn nộp thuế không được vượt quá năm ngân sách (31/12/2022).

Bên cạnh đó, tác động tích cực của việc gia hạn thời gian nộp thuế này chỉ có ý nghĩa đối với các trường hợp NNT có phát sinh nghĩa vụ thuế, đối với NNT còn khó khăn, chưa phát sinh nghĩa vụ thuế thì rất cần các biện pháp hỗ trợ trực tiếp khác, cho dù có thể không nhanh chóng, kịp thời như các biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế đã được nêu trong nghị định này./.

PV: Xin cảm ơn bà!

Đức Dũng (thực hiện)

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công