Trang thông tin điện tử về tài sản công

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Công khai, minh bạch trong hoạt động định giá của các doanh nghiệp

13:51 | 15/08/2022 Print
Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá sẽ giảm bớt các mặt hàng phải kê khai so với hiện hành, để tập trung vào các mặt hàng thật sự quan trọng, thiết yếu.

Góp phần vào bình ổn giá cả thị trường

Đối với biện pháp về kê khai giá một số hàng hóa, dịch vụ đã thể hiện rõ chủ trương quản lý giá theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo sự chủ động, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động định giá của các doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân vẫn được đảm bảo quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ. Nhưng cơ quan quản lý vẫn có thể theo dõi, tổng hợp mức giá bán của các tổ chức, cá nhân.

Các hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá phải thực hiện kê khai giá.
Các hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá phải thực hiện kê khai giá.

Cơ quan quản lý cũng có thể thực hiện rà soát, phát hiện những trường hợp bất hợp lý để kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân báo cáo về mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết. Việc rà soát và yêu cầu kê khai giá phù hợp đã góp phần phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Qua đó, hạn chế tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, hoặc kịp thời có giải pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động giá. Mặt khác, dữ liệu thông tin kê khai giá được sử dụng làm cơ sở theo dõi diễn biến giá cả thị trường, hỗ trợ việc tham mưu và phục vụ xây dựng các báo cáo chuyên đề trong công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn, hoặc trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ Tài chính, vấn đề về công khai thông tin về giá, niêm yết giá được bảo đảm thực thi trên cơ sở các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong thời gian qua, việc thực thi quy định của Luật Giá về công khai thông tin về giá, niêm yết giá được triển khai quyết liệt thông qua nhiều hình thức. Vai trò của cơ quan nhà nước thể hiện trong việc thực hiện công khai chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết, quyết định về giá của Nhà nước bằng một, hoặc một số hình thức như: họp báo, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc hình thức thích hợp khác. Thông qua đó, cơ quan quản lý đã kịp thời giúp dư luận nắm bắt, hiểu rõ công tác quản lý điều hành giá của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội trong những lần điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ.

Được kê khai sau khi quyết định giá

Kê khai giá được xây dựng trên cơ sở bỏ biện pháp đăng ký giá, đồng thời tăng cường biện pháp kê khai giá để có cơ chế kiểm soát hoạt động này; gắn với đó là danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai và giao Chính phủ quy định cụ thể, đồng thời đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tiếp nhận kê khai giá.

Căn cứ nội dung chính sách, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã quy định rõ kê khai giá là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu về giá.

Niêm yết giá để minh bạch thị trường

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), với vai trò là một hình thức công khai về giá nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua, bán trên thị trường, các quy định về niêm yết giá cũng được luật hóa từ nghị định nhằm tăng tính pháp lý cho việc tổ chức thực hiện. Theo đó, tại dự thảo luật cơ bản kế thừa các quy định hiện hành, song cũng quy định chi tiết hơn đối với một số nội dung phải thực hiện niêm yết, cũng như quyền, trách nhiệm của các bên mua, bán trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, tại dự thảo luật cũng đã quy định việc kê khai được đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện sau khi quyết định giá, nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị. Điều này thay cho quy định hiện hành là việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định giá hàng hóa, dịch vụ. Đây là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.

Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu sẽ phải thực hiện kê khai giá khi tổ chức, cá nhân tự quyết định giá thì một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác cũng sẽ phải thực hiện kê khai giá do Chính phủ quy định trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ.

Trên cơ sở đó, tại nghị định sẽ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Trong đó, danh mục sẽ giảm bớt các mặt hàng phải kê khai so với hiện hành để tập trung vào các mặt hàng thật sự quan trọng, thiết yếu.

Việc tiếp nhận kê khai cũng được thể chế rõ ràng hơn, khuyến khích việc áp dụng cơ sở dữ liệu tích hợp, hoặc các ứng dụng công nghệ thông tin để kê khai và tiếp nhận kê khai giá, đảm bảo phù hợp với định hướng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về giá./.

M. Anh

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công