Trang thông tin điện tử về tài sản công

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2014

06:00 | 15/05/2015 Print
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Bộ Tài chính thực hiện tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với 04 loại tài sản. Tiếp đó, để tăng cường công tác quản lý tài sản phục vụ công tác quản lý của các dự án sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả vốn ODA), Bộ Tài chính đã mở rộng CSDL quốc gia về TSNN để quản lý tài sản của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

CHÍNH PHỦ

_____________

Số: 214/BC-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________________________________________

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2015

BÁO CÁO

Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2014

_____________________

Kính gửi: Quốc hội khoá XIII

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2014 như sau:

Phần I

TỔNG HỢP SỐ LIỆU TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ ĐẾN NGÀY 31/12/2014

I. TỔNG QUAN VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐẾN NGÀY 31/12/2014

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Bộ Tài chính thực hiện tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với 04 loại tài sản. Tiếp đó, để tăng cường công tác quản lý tài sản phục vụ công tác quản lý của các dự án sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả vốn ODA), Bộ Tài chính đã mở rộng CSDL quốc gia về TSNN để quản lý tài sản của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại thời điểm hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đang theo dõi đối với 05 loại tài sản gồm: (i) đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (ii) nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (iii) xe ô tô các loại; (iv) tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; (v) tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã cập nhật thông tin về TSNN của 104.011 đơn vị; trong đó có 88.199 đơn vị có tài sản thuộc 05 loại nêu trên (chưa bao gồm TSNN tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) và đã thực hiện việc kê khai đăng ký vào Cơ sở dữ liệu, số đơn vị còn lại không có tài sản thuộc đối tượng phải kê khai đăng ký. Số liệu tổng hợp về TSNN thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia đến ngày 31/12/2014 như sau:

1. Tổng hợp TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tổng giá trị TSNN tại CSDL quốc gia về TSNN đến ngày 31/12/2014 là 999.692,08 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất: 692.372,26 tỷ đồng, tài sản là nhà: 240.641,96 tỷ đồng, tài sản là ô tô: 20.623,27 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản: 45.911,83 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước: 142,76 tỷ đồng

Phân theo cấp quản lý: TSNN thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý là: 263.440,20 tỷ đồng, TSNN thuộc địa phương quản lý là 736.251,88 tỷ đồng.

Trong toàn bộ TSNN tại CSDL quốc gia về TSNN thì TSNN do địa phương quản lý chiếm 73,65% về giá trị và 87,56% về số lượng; TSNN do Trung ương quản lý chiếm 26,35% về giá trị và 12,44% về số lượng.

(Tổng hợp TSNN tại Phụ lục I).

2. Cơ cấu TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Xét về tổng thể (cả hiện vật và giá trị), cơ cấu TSNN của các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý như sau: Khối các đơn vị sự nghiệp sử dụng nhiều TSNN nhất, chiếm 63,82% tổng số hiện vật và 69,08% tổng giá trị; khối các cơ quan nhà nước đứng vị trí thứ hai với 32,28% tổng số hiện vật và 26,98% tổng giá trị; khối các tổ chức đứng thứ ba với 2,78% tổng số hiện vật và 3,66% tổng giá trị; và khối các Ban quản lý dự án chiếm tỷ trọng thấp nhất: 1,12% về hiện vật và 0,28% về giá trị.

Phân tích chi tiết theo loại tài sản, TSNN được phân bổ cụ thể như sau:

Về đất: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 174,97 triệu m2, chiếm 7,08%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 2.284,48 triệu m2, chiếm 92,36%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 13,62 triệu m2, chiếm 0,55%; (iv) Khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng là 0,28 triệu m2, chiếm 0,01%;

Về nhà: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 30,88 triệu m2, chiếm 24,33%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 92,50 triệu m2, chiếm 72,87%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 3,51 triệu m2, chiếm 2,76%; (iv) Khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng là 0,04 triệu m2, chiếm 0,04%;

Về ô tô: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 16.482 chiếc, chiếm 44,67%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 15.651 chiếc, chiếm 42,42%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 4.609 chiếc, chiếm 12,49%; (iv) Khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng là 155 chiếc, chiếm 0,42%;

Về tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 4.294 tài sản, chiếm 19,70%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 17.294 tài sản, chiếm 79,32%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 153 tài sản, chiếm 0,70%; (iv) Khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng là 60 tài sản, chiếm 0,28%;

Về tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước: số lượng là 5.076 tài sản.

(Cơ cấu TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Phụ lục II)

II. BIẾN ĐỘNG VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NĂM 2014

Năm 2014 là năm các cơ quan nhà nước tích cực triển khai kế hoạch thực thi Hiến pháp, chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công được ban hành như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014, đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tăng cường quản lý kinh tế, ngân sách nhà nước và tài sản công, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 trong đó việc chi tiêu công cho xây dựng, mua sắm tài sản được hạn chế tối đa, chỉ mua sắm, trang bị trong những trường hợp cần thiết; thực hiện mua sắm, quản lý công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, do vậy, biến động tăng TSNN năm 2014 chủ yếu là tăng đối với những TSNN thực sự cấp thiết phải mua sắm như xe ô tô chuyên dùng, tài sản thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục,…

Tổng giá trị TSNN (theo nguyên giá) tăng trong năm 2014 là 26.481,18 tỷ đồng. Trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất tăng 11.190,74 tỷ đồng; tài sản là nhà tăng 11.187,54 tỷ đồng; tài sản là ô tô tăng 1.046,52 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên tăng 3.031,14 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước tăng 25,24 tỷ đồng.

Tổng giá trị TSNN (theo nguyên giá) giảm trong năm 2014 là 3.069,25 tỷ đồng. Trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất giảm 1.388,02 tỷ đồng; tài sản là nhà giảm 657,13 tỷ đồng; tài sản là ô tô giảm 582,41 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên giảm 441,69 tỷ đồng.

Cơ cấu biến động, phân theo cấp quản lý năm 2014: TSNN thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý tăng 16.251,24 tỷ đồng, giảm 1.431,78 tỷ đồng; TSNN thuộc địa phương quản lý tăng 10.229,94 tỷ đồng, giảm 1.637,47 tỷ đồng.

1. Tài sản là đất

Năm 2014, diện tích đất do được giao mới, do tiếp nhận, nhận chuyển nhượng tăng 66,40 triệu m2 với tổng giá trị 11.190,74 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương tăng 0,65 triệu m2 với tổng giá trị 8.226,74 tỷ đồng; khối địa phương tăng 65,75 triệu m2 với tổng giá trị 2.964,00 tỷ đồng.

Diện tích đất giảm do thu hồi, điều chuyển, chuyển nhượng là 67,22 triệu m2 với tổng giá trị 1.388,02 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương giảm 0,24 triệu m2 với tổng giá trị 590,81 tỷ đồng; khối địa phương giảm 66,99 triệu m2 với tổng giá trị 797,21 tỷ đồng.

Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đến 31/12/2014 là 2.473,36 triệu m2 với tổng giá trị(1) 692.372,26 tỷ đồng, chiếm 69,26% tổng giá trị toàn bộ TSNN.

2. Tài sản là nhà

Năm 2014, diện tích nhà tăng (do xây dựng mới, tiếp nhận) là 6,73 triệu m2 với tổng nguyên giá 11.187,54 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương tăng 2,37 triệu m2 với tổng nguyên giá 5.999,01 tỷ đồng; khối Địa phương tăng 4,36 triệu m2 với tổng nguyên giá 5.188,53 tỷ đồng.

Diện tích nhà giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý là 0,42 triệu m2 với tổng nguyên giá 657,13 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương giảm 0,08 triệu m2 với tổng nguyên giá 198,90 tỷ đồng; khối Địa phương giảm 0,34 triệu m2 với tổng nguyên giá 458,23 tỷ đồng.

Tổng Quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng đến 31/12/2014 là 126,93 triệu m2 với tổng nguyên giá theo sổ kế toán là 240.641,96 tỷ đồng chiếm 24,07% tổng giá trị toàn bộ TSNN, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là 134.477,65 tỷ đồng (bằng 55,88% tổng nguyên giá).

3. Tài sản là xe ô tô

Năm 2014, số xe ô tô công tăng (mua mới, tiếp nhận) là 1.142 chiếc với tổng nguyên giá 1.046,52 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương tăng 288 chiếc với tổng nguyên giá 399,07 tỷ đồng; khối Địa phương tăng 854 chiếc với tổng giá trị 647,45 tỷ đồng.

Số xe ô tô công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 1.023 chiếc với tổng nguyên giá 582,41 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương giảm 301 chiếc với tổng nguyên giá 289,42 tỷ đồng; khối Địa phương giảm 722 chiếc với tổng nguyên giá 292,99 tỷ đồng.

Trong tổng số 1.142 xe ô tô công tăng của năm 2014 thì có 635 xe tăng do việc tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là 573,86 tỷ đồng; mua mới là 507 xe với tổng nguyên giá là 472,66 tỷ đồng. Trong đó: Xe phục vụ chức danh tăng: 23 xe; xe phục vụ công tác chung tăng 602 xe; xe chuyên dùng tăng 517 xe.

Tổng số xe ô tô công hiện có 36.897 chiếc với tổng nguyên giá 20.623,27 tỷ đồng chiếm 2,07% tổng giá trị TSNN, chi tiết như sau:

a) Phân theo đối tượng phục vụ

Xe ô tô công được phân bổ theo 3 nhóm đối tượng phục vụ, gồm: Xe phục vụ chức danh, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng. Cụ thể như sau:

- Xe phục vụ chức danh 872 chiếc, chiếm 2,36% tổng số xe với nguyên giá 804,68 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 331,53 tỷ đồng, chiếm 5,58% tổng giá trị còn lại.

- Xe phục vụ công tác chung 24.460 chiếc, chiếm 66,29% tổng số xe với nguyên giá 13.247,66 tỷ đồng, chiếm 64,24% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 3.123,61 tỷ đồng, chiếm 52,59% tổng giá trị còn lại. Trong đó, loại xe 4 - 5 chỗ có số lượng nhiều nhất với 12.096 chiếc, chiếm 32,78% tổng số xe; loại xe 6 - 8 chỗ 8.533 chiếc, chiếm 23,13% tổng số xe.

- Xe chuyên dùng 11.565 chiếc, chiếm 31,35% tổng số xe với nguyên giá 6.570,93 tỷ đồng, chiếm 31,86% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 2.484,35 tỷ đồng, chiếm 41,83% tổng giá trị còn lại. Trong đó, xe cứu thương là 2.493 chiếc, xe tập lái là 2.127 chiếc, xe tải là 1.379 chiếc, xe chuyên dùng khác là 5.566 chiếc.

b) Về chất lượng xe

Quỹ xe ô tô công hiện nay có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán 5.939,49 tỷ đồng, bằng 28,80% tổng nguyên giá. Điều này cho thấy phần lớn xe ô tô công đã sử dụng trên 2/3 thời gian theo chế độ quy định(2). Cụ thể đến thời điểm báo cáo, số xe ô tô công đã sử dụng trên 15 năm (quá thời gian tính hao mòn) là 7.183 chiếc, chiếm 19,47 % tổng quỹ xe công; trong đó: xe phục vụ chức danh: 59 chiếc, chiếm 6,77% trong tổng số xe phục vụ chức danh; xe phục vụ công tác chung: 5.309 chiếc, chiếm 21,7% tổng số xe phục vụ công tác chung; xe chuyên dùng: 1.815 chiếc, chiếm 15,69% tổng số xe chuyên dùng.

4. Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên

Trong năm 2014, số tài sản này tăng (do mua mới, tiếp nhận) là 1.582 tài sản với tổng giá trị 3.031,14 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương tăng 856 tài sản với tổng giá trị 1.619,67 tỷ đồng; khối địa phương tăng 726 tài sản với tổng giá trị 1.411,47 tỷ đồng.

Số tài sản giảm do bị thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy 218 tài sản với tổng giá trị 441,69 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương giảm 190 tài sản với tổng giá trị 352,65 tỷ đồng; khối địa phương giảm 28 tài sản với tổng giá trị 89,04 tỷ đồng.

Tổng số tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên hiện có là 21.801 tài sản với tổng nguyên giá 45.911,83 tỷ đồng, chiếm 4,59% tổng giá trị tài sản.

5. Tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các Dự án sử dụng vốn nhà nước

Trong năm 2014, số tài sản này tăng (do mua mới, tiếp nhận) là 995 tài sản với tổng giá trị 25,24 tỷ đồng. Trong đó, khối trung ương tăng 355 tài sản với tổng giá trị 6,75 tỷ đồng; khối địa phương tăng 640 tài sản với tổng giá trị 18,49 tỷ đồng.

Tổng số tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước hiện có là 5.076 tài sản với tổng nguyên giá là 142,76 tỷ đồng, chiếm 0,02% tổng giá trị tài sản nhà nước.

(Chi tiết số liệu các loại tài sản tại Phụ lục từ III - XI).

Phần II

TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NĂM 2014

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng TSNN tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã có những chuyển biến tích cực, quy trình xử lý tài sản được quy định chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, thẩm quyền quyết định xử lý tài sản rõ ràng, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được đẩy nhanh. Kết quả cụ thể như sau:

1. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN.

Năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Chính phủ đã ban hành 09 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định và Bộ Tài chính đã ban hành 19 Thông tư liên quan đến việc quản lý, sử dụng TSNN. Như vậy, kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng TSNN được Quốc hội thông qua đến nay, Chính phủ đã ban hành 16 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 Quyết định và Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ban hành 54 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Chi tiết tại Phụ lục XII).

Đồng thời, trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các văn bản cụ thể hoá nội dung quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN và các Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý TSNN; định mức sử dụng tài sản chuyên dùng; Quy định về công khai quản lý, sử dụng TSNN; Quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin và sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về TSNN.

Như vậy, cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN đã đầy đủ, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ động thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng TSNN; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TSNN; dần đưa việc quản lý, sử dụng TSNN đi vào nề nếp, kỷ cương, công khai và có hiệu quả.

2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện triệt để tiết kiệm trong mua sắm TSNN (nhất là mua sắm xe ô tô công) theo tinh thần Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện việc trang bị xe ô tô, mua sắm tài sản đúng quy định, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc không trang bị xe ô tô phục vụ công tác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số Bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ do phải tạm ngừng mua xe ô tô phục vụ công tác; Để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo phương tiện hoạt động của cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đồng ý để các Bộ, ngành và địa phương được phép mua sắm xe ô tô phục vụ công tác trong 02 trường hợp: (i) Đơn vị thành lập mới mà không có xe ô tô để điều chuyển; (ii) Do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe ô tô phục vụ công tác.

Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng NSNN nhằm khắc phục những hạn chế về hạch toán tài sản cố định tại Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; theo đó kéo dài thời hạn tính hao mòn tài sản đối với một số loại tài sản cố định có giá trị lớn (ví dụ như ô tô từ 10 năm lên thành 15 năm), tài sản nhà nước đưa vào góp vốn liên doanh, liên kết thực hiện khấu khao theo chế độ khấu hao tài sản tại các doanh nghiệp. Từ đó, tạo nguồn tái tạo tài sản mới tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho việc mua sắm tài sản nhà nước

3. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trong năm 2015; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện phương án xử lý nhà, đất đã được phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc khi đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, cải tạo trụ sở làm việc; Tiến hành việc rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiên quyết xử lý thu hồi đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức; xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác (kể cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý) khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền; thu hồi các trụ sở cũ sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng trụ sở mới.

Kể từ thời điểm thí điểm thực hiện sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (năm 2001) và sau hơn 7 năm thực hiện trên địa bàn cả nước, công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Các cấp, các ngành đã có sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cũng như các doanh nghiệp nhà nước trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, ngoài việc huy động nguồn lực trực tiếp từ nhà, đất bổ sung nguồn vốn vào ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển, còn huy động được nguồn vốn từ các nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch của địa phương với các dự án xây dựng chung cư, văn phòng cho thuê, khách sạn, trung tâm thương mại – dịch vụ góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và tạo nguồn thu ổn định, lâu dài cho ngân sách nhà nước.

4. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông là tài sản quan trọng và có giá trị lớn trong tài sản nhà nước. Năm 2014, một loạt các chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được ban hành tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Các chính sách nêu trên nhằm thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (trước mắt là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) gắn với chủ thể quản lý tiết kiệm, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong khi đầu tư từ ngân sách nhà nước có hạn.

5. Về tình hình xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước là tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, tạo lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, xử lý hàng tịch thu, hàng viện trợ, biếu, tặng, cho, tài sản vô chủ, không xác định được chủ sở hữu. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý dứt điểm xe ô tô mang biển ngoại giao, biển nước ngoài của các dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ không hoàn lại.

II. KẾT QUẢ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TSNN TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Tình hình thực hiện phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng TSNN.

Trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng TSNN, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy định phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, liên doanh, liên kết, cho thuê, tiêu huỷ tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND cấp tỉnh về phân cấp quản lý TSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN. Theo đó, hầu hết các địa phương đã phân cấp mạnh cho cơ quan tài chính các cấp và đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, tạo sự chủ động cho các đơn vị có điều kiện khai thác nguồn lực tài sản được giao và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm. Khối các cơ quan trung ương có 17 Bộ, cơ quan trung ương có số lượng tài sản lớn đã ban hành Quyết định về phân cấp quản lý TSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN.

2. Về tình hình mua sắm TSNN

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước thực hiện mua sắm tài sản công từ nguồn NSNN năm 2014 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành. Trong năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện mua mới 507 xe ô tô với tổng nguyên giá 472,66 tỷ đồng và 1.229 tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản tài sản với tổng nguyên giá 2.100,99 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

- Xe ô tô phục vụ công tác chung (phục vụ công tác chung cho các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 12 Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg): mua mới 215 xe với tổng nguyên giá 198,10 tỷ đồng;

- Xe ô tô chuyên dùng (xe gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng hoặc có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ hoặc sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù, đột xuất, cấp bách phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được quy định tại Điều 11 Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg): mua mới 292 xe với tổng nguyên giá 274,56 tỷ đồng.

Trong tổng số 507 xe ô tô được mua sắm năm 2014 thì khối trung ương mua sắm 101 xe; khối địa phương mua sắm 406 xe. Số lượng xe ô tô mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ô tô và thay thế số xe ô tô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng.

Trong tổng số 1.229 tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên được mua mới thì khối trung ương mua sắm 638 tài sản với nguyên giá 1.177,54 tỷ đồng; khối địa phương mua sắm 591 tài sản với nguyên giá 923,45 tỷ đồng.

3. Về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước

Đến hết tháng 12/2014, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 153.279 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 2.970,5 triệu m2 đất và 136 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.894,9 triệu m2 đất; 101 triệu m2 nhà; trong đó: Giữ lại tiếp tục sử dụng khoảng 1.787,5 triệu m2 đất; 94,4 triệu m2 nhà; Bán, chuyển nhượng gần 6,2 triệu m2 đất; thu hồi trên 8,8 triệu m2 đất; chuyển mục đích sử dụng đất trên 3 triệu m2 đất. Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các Bộ, ngành, Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương trên phạm vi cả nước trên 33 ngàn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 về sửa đổi bổ sung Khoản 5, Điều 1 Quyết định 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; đồng thời, đảm bảo việc sử dụng vốn NSNN thật sự có hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức các Đoàn kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ ở thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; đã khai thác được quỹ nhà đất dôi dư đưa vào sử dụng hoặc bán tạo vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thực hiện quy hoạch Thành phố, góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị, môi trường của thành phố Hồ Chí Minh.

4. Về điều chuyển, bán, thanh lý TSNN

Trong năm 2014, tổng giá trị TSNN giảm là 3.069,25 tỷ đồng; trong đó giảm do điều chuyển là 2.051,90 tỷ đồng; do thanh lý là 436,11 tỷ đồng và do bán, chuyển nhượng là 169,51 tỷ đồng, giảm khác là 411,73 tỷ đồng. Cụ thể:

a) Tài sản là đất: Năm 2014, diện tích đất giảm do điều chuyển là 63.063,39 nghìn m2 với tổng giá trị 966,48 tỷ đồng, giảm do bán, chuyển nhượng là 77,66 nghìn m2 với tổng giá trị 144,51 tỷ đồng; giảm khác (thu hồi) 4.103,38 nghìn m2 với tổng giá trị 277,03 tỷ đồng

b) Tài sản là nhà: Năm 2014, diện tích nhà giảm do điều chuyển là 164,43 nghìn m2 với tổng nguyên giá 317,57 tỷ đồng; diện tích nhà giảm do thanh lý là 220,80 nghìn m2 với tổng nguyên giá 247,39 tỷ đồng và giảm do bán, chuyển nhượng là 8,72 nghìn m2 với tổng nguyên giá 21,27 tỷ đồng, giảm khác (thu hồi) 21,44 nghìn m2 với tổng giá trị 70,9 tỷ đồng.

c) Tài sản là xe ô tô : Năm 2014, số xe giảm do điều chuyển là 514 chiếc với tổng nguyên giá 416,67 tỷ đồng; số xe giảm do thanh lý là 496 chiếc với tổng nguyên giá 157,38 tỷ đồng; giảm do bán, chuyển nhượng là 07 chiếc với tổng nguyên giá 2,83 tỷ đồng và giảm khác là 06 chiếc với tổng nguyên giá 5,53 tỷ đồng.

d) Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: Năm 2014, số tài sản giảm do điều chuyển là 182 tài sản với tổng nguyên giá 351,18 tỷ đồng; giảm do thanh lý là 30 tài sản với tổng nguyên giá 31,34 tỷ đồng, giảm do bán, chuyển nhượng là 01 tài sản với tổng nguyên giá 0,89 tỷ đồng; giảm khác là 05 tài sản với 58,28 tỷ đồng.

5. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN

Song song với việc vận hành Phần mềm Quản lý đăng ký TSNN từ năm 2009 với 126 đầu mối trên phạm vi cả nước; trong năm 2014, Bộ Tài chính đã nâng cấp Phần mềm Quản lý đăng ký TSNN để quản lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Thông tư số 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính; đồng thời đưa vào vận hành Phần mềm Quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với 63 đầu mối là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tiến tới là xây dựng, vận hành Phần mềm Quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ. Như vậy, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đang từng bước khẳng định là một kênh thông tin đắc lực giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý TSNN phù hợp hơn; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng TSNN, điều hành ngân sách nhà nước trong việc mua sắm, trang bị, xử lý tài sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2014, Bộ Tài chính đã đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý thông tin và sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về TSNN. Đến nay, đã có 05 Bộ, cơ quan trung ương, 37 địa phương ban hành Quy chế.

6. Tình hình chấp hành chế độ báo cáo

Thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSNN, đến nay đã có 61/63 địa phương và 32/63 Bộ, cơ quan trung ương thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý năm 2014. Về cơ bản, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định, đáp ứng được yêu cầu tổng hợp của cơ quan quản lý nhà nước.

III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Sau một thời gian triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý TSNN trong tình hình mới.

- Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước còn hẹp, chưa bao quát hết các loại tài sản nhà nước, mới chỉ gồm một (01) nhóm là TSNN khu vực hành chính sự nghiệp. Do chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng tài sản cần quản lý, dẫn tới: Một số loại TSNN đang được quản lý theo Luật chuyên ngành, chủ yếu quy định chế độ quản lý về mặt kỹ thuật chuyên ngành, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý với tư cách là một loại TSNN (như: vấn đề hạch toán, khai thác, sử dụng, xử lý,…); Một số loại TSNN chưa có Luật điều chỉnh (như: tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước,…). Vì vậy, hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng TSNN.

- Sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ công trong quản lý, sử dụng TSNN chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nên các Bộ, ngành, chính quyền địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, vừa thực hiện các nghiệp vụ mang tính chất dịch vụ như tổ chức bán, thanh lý, mua sắm tài sản...

- Chưa đáp ứng yêu cầu mới về quản lý tài sản nhà nước: Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nhu cầu về việc sử dụng tài sản nhà nước trong việc hợp tác, liên kết, đưa vào sản xuất kinh doanh dịch vụ nhằm khai thác hiệu quả tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra. Tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa, cảng biển của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi NSNN đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí.

- Một số chế độ quản lý, sử dụng tại thời điểm Luật được ban hành chưa được kiểm nghiệm trong thực tế, chưa đủ cơ sở để quy định trong Luật nên Quốc hội giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định như vấn đề mua sắm theo phương thức tập trung, xây dựng khu hành chính tập trung,... các quy định này thực tế kiểm nghiệm đã phát huy tác dụng hoặc cần một pháp lý quy định cao hơn để thực hiện.

2. Về việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung

Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 24 Bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia.

Qua hơn 7 năm thực hiện đã chứng minh đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng, đó là (i) đã hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thí điểm mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung; (ii) tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; (iii) tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước; (iv) tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; (v) góp phần đổi mới công nghệ quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, việc mua sắm tập trung cũng bộc lộ không ít những tồn tại, hạn chế, đó là (i) do cơ chế mua sắm tập trung chưa có tính chất bắt buộc áp dụng, (ii) cách thức mua sắm tập trung và quy trình mua sắm tập trung chưa thực sự phù hợp, (iii) đơn vị mua sắm tập trung và cán bộ làm nhiệm vụ mua sắm tập trung chưa được chuyên nghiệp hóa, chủ yếu là kiêm nhiệm.

Mua sắm công theo phương thức tập trung là công cụ đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế áp dụng thành công để thực hiện cắt giảm chi tiêu công, thông qua: (i) rà soát cắt giảm các loại hàng hóa, dịch vụ không cần thiết, loại bỏ các yếu tố xa hoa, lãng phí, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng tài sản; (ii) đấu thầu mua sắm theo lô lớn với giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt nhất; (iii) chuyên nghiệp hóa, cắt giảm nhân sự; (iv) công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát.

3. Cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ tài sản nhà nước gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công lập là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều đơn vị khi được giao vốn đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động và nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, về tổng thể, việc xác định giá trị tài sản để giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả còn khiêm tốn.

4. Công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị năm 2014 không có nhiều chuyển biến; việc tổ chức thực hiện phương án xử lý sau khi được phê duyệt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phương án bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Kết quả kiểm tra việc triển khai, thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, tỷ lệ hoàn thành việc thực hiện phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thấp bên cạnh các Bộ, ngành, Tập đoàn Tổng công ty tích cực triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt như: Bộ Ngoại giao (đạt 83,3%); Tập đoàn Dệt may (84,2%); Tổng công ty Lương thực miền Nam (79%), Trung ương Đoàn TNCSHCM (64,3%), đa số các Bộ ngành đạt tỷ lệ hoàn thành dưới 50%; một số Bộ, ngành chưa triển khai thực hiện phương án được phê duyệt như: Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Việc thực hiện di dời các hộ gia đình đã bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đạt tỷ lệ thấp (11,9%); thậm chí còn xảy ra hiện tượng tiếp diễn việc bố trí các hộ gia đình làm nhà ở trong khuôn viên trụ sở cơ quan.

Việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định chưa được chấm dứt hoàn toàn; có nơi vẫn phát sinh cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án. Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp lại nhà, đất để trình cấp có thẩm quyền ban hành đảm bảo phù hợp với các pháp luật có liên quan cũng như phù hợp với thực tế.

5. Trong năm 2014, mặc dù Bộ Tài chính đã triển khai một loạt các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thêm các tài sản dự án, tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tài sản hạ tầng giao thông đường bộ nhưng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản, nhất là tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản, đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, quản lý, hạch toán và kê khai đăng ký biến động về TSNN vào CSDL, dẫn đến dữ liệu trong CSDL có lúc chưa đảm bảo tính kịp thời theo quy định của Luật; tiến độ rà soát, chuẩn hóa dữ liệu chưa đạt yêu cầu.

6. Công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN hàng năm chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo thời hạn quy định tại Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSNN thì Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh lập báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/3 hàng năm. Tuy nhiên, đến nay mới có 93/126 Bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Việc báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình quản lý, sử dụng TSNN hằng năm chưa được thực hiện ở hầu hết các địa phương.

Phần III

ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2015 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015. Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2015 là: “ Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.“

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội và mục tiêu tổng quát của năm 2015, Chính phủ tiếp tục tăng cường việc quản lý trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN, trong đó tập trung vào một số các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành, xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, thể chế hóa quy định tại Điều 53 theo Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN

Năm 2015, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đề án như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thị hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSNN, trọng tâm là thay đổi cơ chế quản lý, sử dụng tài sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành Quyết định của Thủ tướng chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan, cán bộ, công chức viên chức nhà nước; ban hành và hướng dẫn tổ chức triển khai Nghị định của Chính phủ về quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt,...

3. Triển khai thực hiện Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 và Quyết định 2174/QĐ-TTg ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ trong đó trọng tâm là khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020.

4. Thực hiện nhất quán chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm trong đầu tư xây dựng, mua sắm TSNN.

Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo đúng dự toán được duyệt. Không mua xe ô tô công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật). Rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa cần thiết, đảm bảo triệt để tiết kiệm, đúng chế độ quy định. Đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng mô hình tập trung xe công theo phạm vi cấp Bộ, ngành, tỉnh, huyện có trụ sở, địa bàn hoạt động tập trung nhằm sử dụng tối đa hiệu năng và tiết kiệm.

5. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về khung pháp lý, bộ máy tổ chức, nhân lực để tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016 áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

6. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xử lý kịp thời trụ sở cũ của các cơ quan khi được đầu tư xây dựng, di dời sang địa điểm mới. Đôn đốc các địa phương ban hành danh mục các cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị làm căn cứ xử lý các cơ sở này.

7. Tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ), tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đất đai, trụ trở làm việc, nhà công vụ.......

8. Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý công sản và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, đảm bảo từng bước cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công.

Trong năm 2015, cập nhật thêm đối với nhóm tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Đồng thời, xác định phương án tích hợp tài sản công do các Bộ, ngành khác theo dõi để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia, như đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác.

Hiện đại hóa công tác quản lý công sản, nhằm đảm bảo các thông tin về cơ chế chính sách, quản lý, xử lý tài sản công (mua sắm, bán, điều chuyển, thanh lý... ) đều được công khai.

9. Kiện toàn bộ máy quản lý TSNN từ Trung ương đến địa phương. Trước mắt thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý công sản tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại.

Trên đây là báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2014. Chính phủ xin kính trình Quốc hội./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Bộ Tài chính;

- VPCP: BTCN, các PCN,

các Vụ: TH, V.III, TKBT, PL;

- Lưu: VT, KTTH (3). B

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Đã ký

Đinh Tiến Dũng

(1) Giá trị quyền sử dụng đất được tính theo Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành áp dụng tại thời điểm xác định giá trị, thường chỉ bằng 40% ÷ 60% giá đất thực tế thị trường.

(2) Theo quy định thì thời gian sử dụng của xe ô tô là 15 năm, tỷ lệ hao mòn là 6,67%/năm.

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công