Trang thông tin điện tử về tài sản công

Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Liên kết phát triển vùng là tất yếu khách quan

08:37 | 14/09/2022 Print
Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp đã tổ chức .

Hội thảo được tổ chức nhằm hoàn thiện Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 39 cũng như những đề xuất về chủ trương, chính sách mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và nguồn lực đầu tư của Trung ương, sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong vùng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống, phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đã cơ bản đã được hoàn thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu rõ vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước. Mặc dù chiếm 28% diện tích tự nhiên và chiếm 20,8% dân số cả nước nhưng quy mô kinh tế của vùng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 14,53% GDP cả nước. GRDP/người của vùng thấp, chỉ bằng bằng 0,69 lần bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa có sự đột phá. Thu ngân sách chưa bền vững, phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu phát triển. Hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu, yếu, chưa liên thông…

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về thực trạng và giải pháp phát triển một số địa phương, một số vùng kinh tế động lực của các địa phương trong vùng thời gian qua; đề xuất các quan điểm, điều chỉnh, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát triển vùng, các địa phương và tăng cường liên kết vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời gian tới…

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, số lượng doanh nghiệp trong vùng còn ít, tỷ trọng doanh nghiệp, tỷ trọng GDP của vùng còn thấp hơn nhiều so với quy mô dân số. Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp trong các năm gần đây của toàn vùng là rất thấp, thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước. Tuy nhiên điểm sáng là tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi khá cao, cao hơn bình quân chung cả nước, cao hơn nhiều so với doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam Bộ. Điều này có thể do doanh nghiệp ít, mật độ thưa, cạnh tranh ở trong vùng chưa cao và thu nhập người lao động còn thấp; chi phí tiền công thấp hơn nhiều vùng khác.

Từ đó, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng doanh nghiệp phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế địa phương. Để làm được điều này, một trong những giải pháp TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh là cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh; có chương trình khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế tác chế tạo và phát triển chuỗi cung ứng.

Còn TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần tập trung vào những thách thức đối với vùng mà trong đó, thách thức lớn nhất là về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. TS. Trần Du Lịch cũng đề cập tới cơ chế liên kết vùng, theo đó cần có hội đồng tư vấn để phát triển vùng này.

Đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu đồng tình. Các đại biểu đều cho rằng, liên kết phát triển vùng là tất yếu khách quan, là một trong những động lực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội vùng. Liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần thay đổi về nhận thức tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị; cần đi từ đơn giản đến phức tạp với nhiều bên tham gia trong đó vai trò của Nhà nước là thúc đẩy, hỗ trợ và có thể là 1 đối tượng liên kết. Các đại biểu cũng đề xuất xây dựng và ban hành một thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất, trong đó Nhà nước đóng vai trò điều phối, định hướng thông qua quy hoạch và các chính sách trong quản lý và phân bổ nguồn lực./.

Dương An

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công