Trang thông tin điện tử về tài sản công

Cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời nhằm kiểm soát lạm phát

15:42 | 23/09/2022 Print
Trước diễn biến giá cả một số hàng hóa thiết yếu vẫn neo ở mức cao, các chuyên gia kinh tế đề nghị cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành lạm phát và đời sống của người dân.

Giá một số mặt hàng vẫn neo ở mức cao

Ở kỳ điều hành gần nhất, giá xăng dầu giảm hơn 1.000 đồng/lít, về mức thấp nhất từ đầu năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 10 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Lần giảm mạnh này đã kéo giá xăng về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Đến thời điểm này, giá dịch vụ vận tải đã giảm do giá xăng dầu giảm. Đa số các hãng taxi (khoảng 59,57% các đơn vị) sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc kê khai giảm giá (từ 800 - 1.000 đồng/km) tương đương từ 6% - 12%; 42,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm cước khoảng 5,26% -14,7%.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, giá một số hàng hóa thiết yếu vẫn ở mức cao. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ truyền thống, giá cả một số mặt hàng như thịt lợn, rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn… vẫn đang neo ở mức cao.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Thịt lợn là một trong những mặt hàng thực phẩm tăng giá nhiều nhất trong thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi đã tăng từ 15% - 30%. Có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao như: Ảnh hưởng từ chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi làm việc tái đàn lợn gặp khó khăn; nguồn cung giảm; việc mua bán vận chuyển, giết mổ vật nuôi giảm mạnh… Có thời điểm dù giá lợn hơi đã giảm, nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức từ 110.000 - 150.000 đồng/kg, tùy loại và không có dấu hiệu giảm. Mặt hàng rau xanh cũng ở mức cao. Đơn cử như hành lá 70.000 đồng/kg; xà lách 50.000 đồng/kg; cải bắp 25.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, rau muống 20.000 đồng/mớ…

Tuy nhiên, ở một số siêu thị đã thực hiện tốt việc bình ổn giá. Một số siêu thị và các điểm phân phối hàng hóa cũng điều chỉnh giảm thêm 3% - 5%. Có nhiều loại hàng hóa đã giảm từ 10% - 15% so với thời điểm trước.

Dự báo lạm phát từ 3,4 - 3,8%

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá gần đây, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Ở kịch bản thứ nhất, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,37%. Ở kịch bản xấu hơn, CPI ở mức 3,87%. Do đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.

Những dự báo đến từ một số cơ quan cũng không vượt mốc 4% theo mục tiêu đề ra. Cụ thể: Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,4% - 3,7%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,7 ± 0,3%.

Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục vụ tăng trưởng. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vào gần cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong điều hành, phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế, từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Đồng thời, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu, giám sát chặt biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu.

Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chỉ đạo, điều hành giá cả. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đã đề ra.

Giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường cũng là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý. Do đó, trong chỉ đạo điều hành, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá luôn lưu ý các bộ, ngành cần đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá. Trong đó, cần đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá, hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định mà không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trần Thắng

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công