Trang thông tin điện tử về tài sản công

Không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ

07:00 | 01/10/2022 Print
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III vừa được Bộ Tài chính tổ chức, nhiều phóng viên, cơ quan báo chí quan tâm đến vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, không có việc "chạy trước" quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Minh bạch hóa và xác định rõ trách nhiệm

Nngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định số 65) sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định số 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tham gia cuộc họp báo của Bộ Tài chính, một số phóng viên đặt câu hỏi “có phải cơ quan quản lý định thắt chặt hoạt động này bằng Nghị định số 65?”.

Không có việc “chạy trước” quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ
Ảnh: Minh họa.

Giải đáp câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, ngay sau khi Nghị định số 65 được ban hành, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề để phổ biến về nội dung này. Tại cuộc họp báo đó, những vấn đề tương tự đã được nêu ra và giải thích rất rõ.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nội dung của Nghị định số 65 đã quy định rất rõ và minh bạch các yêu cầu trong quá trình ban hành.

Bên cạnh đó, xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình tham gia phát hành. Như vậy, quá trình phát hành sẽ được minh bạch, rõ ràng và cụ thể hóa trách nhiệm.

Chỉ được cung cấp dịch vụ theo đúng quy định

Các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ được cung cấp các dịch vụ theo đúng quy định pháp luật và phạm vi dịch vụ cung cấp; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

“Ai làm tốt, làm đúng mới dám minh bạch và dám phát hành. Các trường hợp cố tình làm sai sẽ lộ ngay, thậm chí còn không được ra thị trường nếu không đáp ứng yêu cầu minh bạch” - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị định số 65 được Bộ Tài chính tổ chức ngày 19/9 vừa qua, ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã giải thích khá rõ vấn đề này.

Cụ thể, với việc ban hành quy định mới về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro...

Theo ông Điền, các nhà đầu tư cá nhân trước khi tham gia thị trường cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro. Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư), mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Mua lại trái phiếu căn cứ tình hình tài chính

Trở lại cuộc họp báo thường kỳ quý III, một số báo đặt câu hỏi “Liệu doanh nghiệp có chạy trước để không phải áp dụng Nghị định số 65 hay không?”

Trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Nghị định số 65 có hiệu lực ngay từ ngày ký, sau khi ban hành thì áp dụng ngay nên không có chuyện “chạy trước” và cũng không thể “chạy trước” được. Đơn vị nào không áp dụng là sai.

Không có việc “chạy trước” quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ
Quang cảnh họp báo.

Liên quan đến vấn đề mua lại trái phiếu trước hạn, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, cho biết: Tại Nghị định số 153 trước đây và Nghị định số 65 hiện tại, Chính phủ quy định rất rõ 2 khía cạnh liên quan đến mua lại trái phiếu trước hạn.

Một là mua lại trái phiếu trước hạn tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành với chủ sở hữu trái phiếu. Nội dung này được quy định tại Điều 7 Nghị định số 153.

Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn, hoặc hoán đổi theo thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu để giảm nợ, cơ cấu lại nợ trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.

Hai là mua lại trái phiếu bắt buộc được quy định ở Nghị định số 65 đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật, buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo đó, việc các doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn hoàn toàn căn cứ tình hình tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp phát hành, trong trường hợp tự nguyện mua lại trên cơ sở thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu.

“Ta không nên đánh đồng việc doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn với việc ban hành Nghị định số 65 dẫn đến siết chặt nên doanh nghiệp mới mua lại” - bà Tâm nhấn mạnh.

Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký

Trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Nghị định số 65 có hiệu lực ngay từ ngày ký, sau khi ban hành thì áp dụng ngay nên không có chuyện “chạy trước” và cũng không thể “chạy trước” được. Đơn vị nào không áp dụng là sai.

Minh Anh

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công