Trang thông tin điện tử về tài sản công

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2012

08:00 | 21/05/2013 Print
Fast traslate Icon translate Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xin trình Quốc hội báo cáo của Chính phủ về “Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2012”.

Fast traslate

Icon translate

CHÍNH PHỦ

_____________

Số: 203/BC-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2013

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NĂM 2012

__________________________________________

Kính gửi: Quốc hội khoá XIII

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xin trình Quốc hội báo cáo của Chính phủ về “Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2012”.

Phần thứ nhất

TỔNG HỢP SỐ LIỆU TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ ĐẾN NGÀY 31/12/2012

I. TỔNG QUAN TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐẾN NGÀY 31/12/2012

Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ đã ban hành chế độ báo cáo và công khai về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN). Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng TSNN trên phạm vi cả nước và hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đối với 04 loại tài sản sau:

(i) Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

(ii) Nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

(iii) Xe ô tô các loại;

(iv) Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã cập nhật thông tin về TSNN của 99.108 đơn vị; trong đó có 81.983 đơn vị có tài sản đã kê khai đăng ký vào cơ sở dữ liệu, số đơn vị còn lại không có tài sản thuộc đối tượng phải kê khai đăng ký. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát thực trạng quản lý, sử dụng TSNN đã có tính đến thời điểm ngày 31/12/2011, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục cập nhật và bổ sung số liệu đối với những tài sản này.

Số liệu tổng hợp về TSNN thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia như sau:

1. Tổng hợp TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tổng giá trị TSNN đến ngày 31/12/2012 là 865.801 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất: 630.517 tỷ đồng, tài sản là nhà: 182.559 tỷ đồng, tài sản là ô tô: 18.251 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: 34.474 tỷ đồng.

Phân theo cấp quản lý: TSNN thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý là: 222.268 tỷ đồng, TSNN thuộc địa phương quản lý là 643.533 tỷ đồng.

Trong toàn bộ TSNN thì TSNN do địa phương quản lý chiếm 74,33% về giá trị và 87,84% về số lượng; TSNN do Trung ương quản lý chiếm 25,67% về giá trị và 12,16% về số lượng.

Bảng tổng hợp TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thể hiện tại Phụ lục I.

2. Cơ cấu tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Xét về tổng thể (cả hiện vật và giá trị), cơ cấu TSNN của các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý như sau: Khối các đơn vị sự nghiệp sử dụng nhiều TSNN nhất, chiếm 64,24% tổng số hiện vật và 72,41% tổng giá trị; khối các cơ quan nhà nước đứng vị trí thứ hai với 32,82% tổng số hiện vật và 22,99% tổng giá trị; khối các tổ chức đứng thứ ba với 2,94% tổng số hiện vật và 4,60% tổng giá trị.

Phân tích chi tiết theo loại tài sản thì TSNN được phân bổ cụ thể như sau:

- Về đất: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 266,87 triệu m2, chiếm 12,31%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 1.886,70 triệu m2, chiếm 87,01%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 14,85 triệu m2, chiếm 0,68%.

- Về nhà: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 28,56 triệu m2, chiếm 24,12%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 86,38 triệu m2, chiếm 72,96%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 3,45 triệu m2, chiếm 2,92%.

- Về ô tô: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 15.935 chiếc, chiếm 46,1%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 14.293 chiếc, chiếm 41,35%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 4.337 chiếc, chiếm 12,55%.

- Về tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: (i) Khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 3.019 tài sản, chiếm 20,50%; (ii) Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 11.627 tài sản, chiếm 78,96%; (iii) Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 79 tài sản, chiếm 0,54%.

Cơ cấu TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thể hiện tại Phụ lục II.

II. MỘT SỐ LOẠI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC CHỦ YẾU

1. Tài sản là đất

Đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại TSNN. Theo báo cáo tổng hợp, tổng Quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý và sử dụng khoảng 2.168,4 triệu m2 với tổng giá trị(1) gần 631 nghìn tỷ đồng, chiếm 72,82% tổng giá trị toàn bộ TSNN.

Cơ cấu phân bổ sử dụng quỹ đất theo từng nhóm mục đích sử dụng thể hiện tại Phụ lục III.

2. Tài sản là nhà

Nhà là loại tài sản giữ vị trí quan trọng và chiếm vị trí thứ hai trong tổng giá trị toàn bộ TSNN. Khác với đất đai, tài sản là nhà chủ yếu được ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, mua sắm qua các thời kỳ. Tổng Quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng trên 118,39 triệu m2 với tổng nguyên giá theo sổ kế toán trên 182 nghìn tỷ đồng chiếm 21,09% tổng giá trị toàn bộ TSNN, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán trên 104,7 nghìn tỷ đồng (bằng 57,7% tổng nguyên giá).

3. Tài sản là xe ô tô

Tổng số xe ô tô công hiện có 34.565 chiếc với tổng nguyên giá 18.251 tỷ đồng chiếm 2,11% tổng giá trị TSNN, chi tiết như sau:

a) Phân theo đối tượng phục vụ

Xe ô tô công được phân bổ theo 3 nhóm đối tượng phục vụ, gồm: Xe phục vụ chức danh có tiêu chuẩn, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng. Cụ thể như sau:

- Xe phục vụ chức danh 996 chiếc, chiếm 2,88% tổng số xe với nguyên giá 847 tỷ đồng, chiếm 4,64% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 402 tỷ đồng, chiếm 6,82% tổng giá trị còn lại.

- Xe phục vụ công tác chung 23.472 chiếc, chiếm 67,91% tổng số xe với nguyên giá 11.810 tỷ đồng, chiếm 64,71% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 3.066 tỷ đồng, chiếm 52,09% tổng giá trị còn lại. Trong đó, loại xe 4 - 5 chỗ có số lượng nhiều nhất với 12.064 chiếc, chiếm 34,90% tổng số xe; loại xe 6 - 8 chỗ 7.577 chiếc, chiếm 21,92% tổng số xe.

- Xe chuyên dùng 10.097 chiếc, chiếm 29,21% tổng số xe với nguyên giá 5.594 tỷ đồng, chiếm 30,65% tổng nguyên giá và giá trị còn lại 2.418 tỷ đồng, chiếm 41,08% tổng giá trị còn lại. Trong đó, xe cứu thương là 2.215 chiếc, xe tập lái là 1.971 chiếc, xe tải là 1.260 chiếc, xe chuyên dùng khác là 4.651 chiếc.

b) Về chất lượng xe

Quỹ xe ô tô công hiện nay có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán 5.886 tỷ đồng bằng 32,25% tổng nguyên giá. Điều này cho thấy phần lớn xe ô tô công đã sử dụng quá nửa thời gian theo chế độ quy định(2). Cụ thể đến thời điểm báo cáo, số xe ô tô công đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (sử dụng trên 10 năm) lên tới 12.682 chiếc, chiếm 36,69% tổng quỹ xe công; trong đó: 151 chiếc xe phục vụ chức danh, chiếm 15,16% tổng số xe chức danh; 9.611 xe phục vụ công tác chung, chiếm 40,95% tổng số xe phục vụ công tác chung; 2.920 xe chuyên dùng, chiếm 28,92% tổng số xe chuyên dùng.

Chi tiết số liệu tổng hợp TSNN được nêu tại các Phụ lục từ IV đến IX

III. TÌNH HÌNH TĂNG, GIẢM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NĂM 2012

1. Tổng hợp tăng, giảm TSNN năm 2012

a) Tổng hợp tăng, giảm TSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tổng giá trị TSNN (theo nguyên giá) tăng trong năm 2012 là 17.292 tỷ đồng, giảm 2.020 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất tăng 2.317 tỷ đồng, giảm 1.098 tỷ đồng; tài sản là nhà tăng 9.504 tỷ đồng, giảm 559 tỷ đồng; tài sản là ô tô tăng 2.756 tỷ đồng, giảm 276 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên tăng 2.714 tỷ đồng, giảm 87 tỷ đồng.

Phân theo cấp quản lý: TSNN thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý tăng 5.737 tỷ đồng, giảm 697 tỷ đồng; TSNN thuộc địa phương quản lý tăng 11.555 tỷ đồng, giảm 1.323 tỷ đồng.

b) Tổng hợp tăng, giảm TSNN theo cơ cấu các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Xét về tổng thể (cả hiện vật và giá trị), TSNN tại các đơn vị sự nghiệp tăng nhiều nhất, tiếp đến là khối các cơ quan nhà nước; đứng vị trí thứ ba là khối các tổ chức.

Phân tích chi tiết theo loại tài sản thì TSNN phân bổ cụ thể như sau:

- Về đất: Khối cơ quan nhà nước có diện tích quản lý, sử dụng tăng 559,8 nghìn m2, giảm 475,6 nghìn m2; Khối đơn vị sự nghiệp có diện tích quản lý, sử dụng tăng 1.013,3 nghìn m2, giảm 346,0 nghìn m2; Khối các tổ chức có diện tích quản lý, sử dụng tăng 76,0 nghìn m2, giảm 16,6 nghìn m2.

- Về nhà: Khối cơ quan nhà nước có diện tích quản lý, sử dụng tăng 640,3 nghìn m2, giảm 265,2 nghìn m2; Khối đơn vị sự nghiệp có diện tích quản lý, sử dụng tăng 1.194,0 nghìn m2, giảm 221,6 nghìn m2; Khối các tổ chức có diện tích quản lý, sử dụng tăng 82,2 nghìn m2, giảm 14,1 nghìn m2.

- Về ô tô: Khối cơ quan nhà nước có số lượng tăng 1.518 chiếc, giảm 345 chiếc; Khối đơn vị sự nghiệp có số lượng tăng 588 chiếc, giảm 204 chiếc; Khối các tổ chức có số lượng tăng 285 chiếc, giảm 128 chiếc.

- Về tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên: Khối cơ quan nhà nước có số lượng tăng 421 tài sản, giảm 34 tài sản; Khối đơn vị sự nghiệp có số lượng tăng 897 tài sản, giảm 46 tài sản; Khối các tổ chức có số lượng tăng 10 tài sản, không có tài sản giảm.

2. Tình hình tăng, giảm một số loại TSNN chủ yếu

a) Tài sản là đất

Trong năm 2012, diện tích đất tăng là 1,831 triệu m2 với tổng giá trị 2.317 tỷ đồng và giảm 0,838 triệu m2 với tổng giá trị 1.098 tỷ đồng, trong đó: Trung ương tăng 0,418 triệu m2 với tổng giá trị 894 tỷ đồng, giảm 0,294 triệu m2 với tổng giá trị 420 tỷ đồng; Địa phương tăng 1,413 triệu m2 với tổng giá trị 1.423 tỷ đồng, giảm 0,544 triệu m2 với tổng giá trị 678 tỷ đồng.

Diện tích đất tăng nhiều nhất là đất phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo (tăng 580,4 nghìn m2); đất trụ sở (tăng 194,3 nghìn m2); đất phục vụ hoạt động sự nghiệp nông nghiệp, công tác chuyên môn, hoạt động sự nghiệp khác (tăng 189,2 nghìn m2); đất phục vụ hoạt động văn hóa (tăng 31,4 nghìn m2).

b) Tài sản là nhà

Trong năm 2012, diện tích nhà tăng là 1,916 triệu m2 với tổng giá trị 9.504 tỷ đồng và giảm 0.501 triệu m2 với tổng giá trị 559 tỷ đồng, trong đó: Trung ương tăng 0,467 triệu m2 với tổng giá trị 2.326 tỷ đồng, giảm 0,161 triệu m2 với tổng giá trị 179 tỷ đồng; Địa phương tăng 1,449 triệu m2 với tổng giá trị 7.178 tỷ đồng, giảm 0,340 triệu m2 với tổng giá trị 379 tỷ đồng.

c) Tài sản là xe ô tô

Trong năm 2012, số xe ô tô công tăng là 2.391 chiếc với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng và giảm 677 chiếc với tổng giá trị 276 tỷ đồng, trong đó: Trung ương tăng 973 chiếc với tổng giá trị 956 tỷ đồng, giảm 156 chiếc với tổng giá trị 71 tỷ đồng; Địa phương tăng 1.418 chiếc với tổng giá trị 1.799 tỷ đồng, giảm 521 chiếc với tổng giá trị 204 tỷ đồng.

Về chất lượng xe : Số xe ô tô công sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm) đã cao hơn so với thời điểm 31/12/2011 là 1.999 chiếc, mặc dù trong năm 2012, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện thanh lý một số xe quá cũ, không đảm bảo an toàn trong phục vụ công tác; trong đó: xe phục vụ chức danh tăng thêm 36 chiếc; xe phục vụ công tác chung tăng thêm 1.592 chiếc; xe chuyên dùng tăng thêm 371 chiếc.

d) Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên

Trong năm 2012, số tài sản này tăng là 1.328 tài sản với tổng giá trị 2.714 tỷ đồng và giảm 80 tài sản với tổng giá trị 87 tỷ đồng, trong đó: Trung ương tăng 637 tài sản với tổng giá trị 1.560 tỷ đồng, giảm 42 tài sản với tổng giá trị 25 tỷ đồng; Địa phương tăng 691 tài sản với tổng giá trị 1.154 tỷ đồng, giảm 38 tài sản với tổng giá trị 61 tỷ đồng.

Chi tiết số liệu tổng hợp TSNN được nêu tại Phụ lục X.

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG

TÀI SẢN NHÀ NƯỚC VÀ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN

CÓ HIỆU QUẢ LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

I. TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trong năm 2012, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định và Bộ Tài chính đã ban hành 03 Thông tư.

Như vậy, kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội ban hành đến hết năm 2012, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 Quyết định và Bộ Tài chính đã ban hành 11 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

(Chi tiết tại Phụ lục XI)

Đồng thời, trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình, các Bộ, cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các văn bản cụ thể hoá nội dung quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN và các Nghị định của Chính phủ.

Như vậy, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN đã đầy đủ, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước cũng như các tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ động thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng TSNN; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TSNN; dần đưa việc quản lý, sử dụng TSNN đi vào nề nếp, kỷ cương, công khai và có hiệu quả.

II. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TSNN NĂM 2012

1. Tình hình thực hiện phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng TSNN.

Đến nay đã có 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về phân cấp quản lý TSNN. Theo đó, hầu hết các địa phương đã phân cấp mạnh cho các Sở, ngành, huyện và đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, tạo sự chủ động cho các đơn vị có điều kiện khai thác nguồn lực tài sản được giao và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm.

2. Tình hình quản lý, sử dụng đối với các tài sản chủ yếu.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong năm 2011 và đầu năm 2012 các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cơ sở đã nghiêm chỉnh chấp hành tạm dừng mua sắm mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ và thiết bị văn phòng, góp phần thực hiện mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đề ra.

Tiếp đến, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã cho phép mua sắm TSNN trong dự toán ngân sách nhà nước đã giao. Kết quả mua sắm TSNN 9 tháng cuối năm 2012 như sau:

a) Tài sản là đất

Trong năm 2012, diện tích đất sử dụng cho các cơ quan, đơn vị đã có sự tăng thêm, trong đó diện tích đất sử dụng cho các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng nhiều hơn so với các cơ quan, đơn vị của trung ương. Trong đó, diện tích đất tăng nhiều nhất là đất phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo, qua đó cho thấy Chính phủ đã và đang quan tâm tới việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với lĩnh vực này.

b) Tài sản là nhà

Qua số liệu cho thấy diện tích nhà tại các cơ quan, đơn vị gia tăng tập trung chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương. Tuy nhiên, phần lớn trong số diện tích nhà tăng thêm của các Bộ, ngành trung ương là do thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc theo hướng tập trung trên cơ sở sử dụng nguồn tiền thu được từ bán, chuyển nhượng trụ sở làm việc cũ tại những vị trí có khả năng thương mại, khả năng chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích có hiệu quả cao hơn, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh...

c) Tài sản là xe ô tô

Trong năm 2012, số xe ô tô công tăng chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương, trong đó phần lớn là thay thế cho số xe đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm), đồng thời bố trí cho một số chức danh có tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm nhưng chưa có xe ô tô phục vụ công tác do phải tạm dừng mua sắm trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Việc mua sắm xe công qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo phù hợp với mức giá quy định của Thủ tướng Chính phủ, đúng đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì số xe công đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm) tiếp tục gia tăng qua mỗi năm và tập trung chủ yếu vào xe phục vụ công tác chung; do đó, yêu cầu về nguồn kinh phí để thực hiện thay thế số xe đã quá thời gian quy định đang ngày càng tạo sức ép lên ngân sách nhà nước, cùng với việc mua sắm bổ sung cho các chức danh, các cơ quan, đơn vị chưa được bố trí xe ô tô để phục vụ công tác.

d) Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên

Năm 2012, số lượng tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên tăng nhiều hơn số lượng giảm, đồng thời giá trị mua sắm cũng cao hơn so với trước đây.

Như vậy, về tổng quan tình hình quản lý, sử dụng TSNN năm 2012 cho thấy đã có sự đầu tư của Nhà nước nhằm tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị; việc đầu tư được thực hiện đối với tất cả các loại hình cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức và đối với tất cả các loại tài sản từ nhà, đất, xe ô tô công và tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên. Việc đầu tư, mua sắm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đúng tiêu chuẩn, định mức quy định, trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã giao.

3. Tình hình chấp hành chế độ báo cáo.

Thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSNN, đến nay đã có 59/63 địa phương và 41/64 Bộ, ngành thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Về cơ bản, các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định, đáp ứng được yêu cầu tổng hợp của cơ quan quản lý nhà nước.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Bước sang năm 2013, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ), thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 (Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ) và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu (Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ). Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung đối với một số giải pháp sau đây:

1. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định; thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí. Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho mục đích mua sắm xe ô tô và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách. Kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là khoản chi mua xe công.

2. Đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng mô hình tập trung xe công theo phạm vi cấp Bộ, ngành, tỉnh, huyện có trụ sở, địa bàn hoạt động tập trung nhằm sử dụng tối đa hiệu năng và tiết kiệm.

3. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng ngân sách nhà nước, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

4. Tổ chức rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013; bố trí hoàn trả vốn đã được ngân sách ứng trước. Hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng. Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách và các dự án trọng điểm cấp bách.

5. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách chủ yếu như tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện đi lại, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước... Trong đó, cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được áp dụng thống nhất trên cả nước, đảm bảo hiệu quả trong mua sắm tài sản nhà nước, tính minh bạch và sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước.

6. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị.

7. Thực hiện sơ kết 5 năm triển khai, thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, làm căn cứ để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

8. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý tài sản nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Trước mắt tăng cường số lượng và chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý công sản tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại. Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước để bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác báo cáo, chỉ đạo, điều hành và quản lý, xử lý tài sản nhà nước.

Trên đây là báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2012.

Kính trình Quốc hội xem xét./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội

- Lưu: VT, KTTH (3).

TM.CHÍNH PHỦ

TUQ.THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Bùi Quang Vinh

Tải tệp tin đính kèm tại đây

(1) Giá trị quyền sử dụng đất được tính theo Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành áp dụng tại thời điểm xác định giá trị, thường chỉ bằng 40% ÷ 60% giá đất thực tế thị trường.

(2) Theo quy định thì thời gian sử dụng của xe ô tô là 10 năm, tỷ lệ hao mòn là 10%/năm.

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công