Trang thông tin điện tử về tài sản công

Hà Nội: Hoàn thiện dữ liệu tài sản công theo từng chuyên ngành

08:00 | 24/11/2022 Print
Giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, TP. Hà Nội xác định quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công là trách nhiệm của các cấp, các ngành thuộc thành phố. Đồng thời, thành phố siết chặt quản lý tài sản công thông qua số hóa dữ liệu.

Tập trung vào 4 nhóm tài sản công

Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 21/11- 23/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã trình bày Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề nghị xem xét, thông qua chủ trương Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” (đề án).

Theo quy định, có 7 nhóm tài sản công thuộc sở hữu nhà nước, nhưng đề án xác định phạm vi tập trung vào 4 nhóm tài sản công là: Nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản khác; trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.

Đề án cũng nêu rõ quan điểm của thành phố, quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công là trách nhiệm của các cấp, các ngành thuộc thành phố.

Các chủ thể được giao quản lý, sử dụng tài sản công nhằm thực hiện tốt hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Mọi tài sản công của thành phố đều phải được nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch...

Hà Nội: Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công là trách nhiệm của các cấp, các ngành
Hà Nội siết chặt sử dụng, quản lý tài sản công. Ảnh: TL

Hoàn thiện dữ liệu tài sản công theo từng chuyên ngành

Đề án nêu rõ mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022-2025 là 100% tài sản công của thành phố hiện đã có phần mềm cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định. Thực hiện đề án, thành phố sẽ xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của trung ương và thành phố; chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.

Căn cứ quy định của Chính phủ, các cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng của thành phố phải hoàn thành việc rà soát, phân loại 100% tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông; tiếp nhận để quản lý và từng bước sử dụng, khai thác hiệu quả đối với 5 nhóm quỹ đất khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Trong giai đoạn 2026-2030, mục tiêu của đề án nhằm bảo đảm 100% tài sản công của thành phố được thống kê, theo dõi và cập nhật đầy đủ vào phần mềm cơ sở dữ liệu tài sản công theo từng chuyên ngành. 100% quỹ đất thuộc 5 nhóm dự kiến khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 được tiếp nhận, quản lý và có phương án sử dụng và khai thác hiệu quả. 100% quỹ đất cũ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau khi di dời do không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của HĐND thành phố được tiếp nhận và có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả./.

Hạnh Nguyễn

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công