Trang thông tin điện tử về tài sản công

Hiến kế xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững

21:37 | 27/11/2022 Print
Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022, nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức trong và ngoài nước đã góp ý kiến, hiến kế nhằm góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững trong bối cảnh tình hình mới nhiều biến động, thách thức đan xen với khó khăn là phần nhiều.

Bối cảnh mới cần tư duy và cách tiếp cận mới

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Arme Fraemk - Trưởng Hợp phần Chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh”, tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong thời gian qua.

Theo ông Arme Fraemk, Việt Nam đã xử lý tốt trong phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định chính sách tài khóa. Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu Chiến lược tài chính giai đoạn 2011 - 2020. Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 diễn ra đúng thời điểm để chuẩn bị cho thời gian tiếp theo, GIZ rất tự hào đã hỗ trợ nhiều chương trình tài chính. Diễn đàn là dịp các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị triển khai hiệu quả Chiến lược Tài chính trong thời gian tới.

Chuyên gia hiến kế xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn.

Mặc dù đại dịch đã được kiềm chế tốt trong năm qua, nhưng theo ông Arme Fraemk, thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn, như: tình hình kinh tế thế giới đang xấu đi, có tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa… Theo đại diện GIZ, chúng ta phải chấp nhận các thực tế đó và phải tư duy lại, tìm ra cách tiếp cận dài hạn để có thể triển khai các chiến lược thời gian tới tốt hơn. Đức cam kết mạnh mẽ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Việt Nam qua việc chia sẻ hợp tác để phát triển nền tài chính bền vững.

Ông Werner Gruber - Trưởng Đại diện cơ quan hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam cho rằng, phân cấp tài khóa là cần thiết để nâng cao hiệu suất hiệu quả và khả năng chống chịu của chính sách tài khóa; hiệu suất chi tiêu công, đầu tư công; huy động tốt hơn từ khu vực tư nhân.

Theo ông Werner Gruber, thời gian tới cần huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình để phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đánh giá các rủi ro về chính sách tài khóa.

Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud đã sơ lược về “bức tranh” toàn cảnh tình hình kinh tế, lạm phát tại nhiều nước trên thế giới và những ảnh hưởng tới Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khiến các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Tại châu Âu, nhiều ngân hàng Trung ương cũng áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều đáng lo ngại là lạm phát khu vực này đã tăng lên gấp đôi. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukrainer, đã tác động làm tăng giá rất mạnh thời gian qua. Chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới châu Á về thương mại, du lịch…

“Các khó khăn đó, dự báo suy giảm tăng trưởng ở nhiều khu vực trên thế giới. Dự báo kinh tế thế giới sẽ giảm trong năm 2023” - Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud phân tích.

Những yếu tố đó sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Ông Francois Painchaud cho rằng, Việt Nam đã phục hồi, kinh tế tăng trưởng mạnh sau đại dịch, thu NSNN tăng. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang chậm lại, các đơn đặt hàng cũng đang giảm.

Ưu tiên ổn định thị trường tài chính

Kiến nghị chính sách cho Việt Nam thời gian tới, theo ông Francois Painchaud, Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thận trọng, phối hợp và truyền thông để quản lý rủi ro. Chính sách tiền tệ phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.

“Ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm” - ông Francois Painchaud nói.

Chuyên gia hiến kế xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững
Bà Dorsati Madani: Tăng trưởng của Việt Nam dự kiến vẫn rất tốt trong thời gian tới.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới cũng có cùng nhận định với nhiều vị chuyên gia phát biểu trước đó khi cho rằng, Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua.

Bà Dorsati Madani nêu 3 câu hỏi: Chính sách tài khóa hiện nay của Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế hay chưa? Chính sách tài khóa của Việt Nam nên như thế nào khi là quốc gia thu nhập cao? Việt Nam có thể xanh hóa chính sách tài khóa như thế nào? Những diễn giải của bà tập trung vào trả lời những câu hỏi đó và đặt ra khuyến nghị cho Việt Nam.

Theo bà Dorsati Madani, tăng trưởng Việt Nam dự kiến vẫn rất tốt trong thời gian tới. Số thu NSNN của Việt Nam thực hiện đầy ấn tượng, tuy nhiên cần cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn.

Đối với các chính sách thuế, bà Dorsati Madani cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần bao quát các nguồn thu, trong đó tính đến đánh thuế tài sản.

Một số khái niệm “thuế xanh”, “phát triển kinh tế xanh”, “thực hiện chi tiêu xanh”, “đầu tư công xanh”, “mua sắm tài sản công xanh”, “huy động tài chính xanh" cũng được bà Dorsati Madani đề cập và nêu một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên gợi mở khi cho rằng, thời điểm này chính là cơ hội lớn nhất cho nước ta, là lúc chúng ta xem lại để thay đổi, trong điều kiện bất thường thì dùng giải pháp khác thường trong hoạch định chính sách.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN thời gian qua trong bối cảnh trên thế giới hiện phát sinh nhiều yếu tố khó lường, lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước, cuộc chiến Nga -Ukrainer và chính sách Zero Covid của Trung Quốc là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.

Ông Nguyễn Minh Tân dự báo, năm 2023 tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, chi phí vốn, chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ tăng lên; những tác động của biến đổi khí hậu… được nhận diện.

“Đến nay chúng ta đã có những định hướng cụ thể cho 5 năm và 10 năm tới. Quốc hội đã thông qua dự toán NSNN năm 2023. Tuy nhiên, thời gian tới dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực hiện bội chi NSNN theo mục tiêu đề ra là áp lực lớn đối với Bộ Tài chính” - ông Tân nhận định.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại thu - chi NSNN. Về thu NSNN, rà soát lại các chính sách thuế đảm bảo công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Về chi NSNN, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tập trung chi cho an sinh xã hội và chi cho con người.

“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính - NSNN, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Minh Tân cho hay.

Chuyên gia đề nghị cần tính đến đánh thuế tài sản

Đối với các chính sách thuế, gợi ý cho Việt Nam, bà Dorsati Madani cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần bao quát các nguồn thu, trong đó tính đến đánh thuế tài sản.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam cũng nhận định, TP. Hồ Chí Minh rất "dũng cảm", chủ động đề xuất "HĐND thành phố quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất cho bất động sản thứ 2 trở lên". Quốc hội đưa vào nghị quyết và TP. Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện theo tính chất cơ chế đặc thù thí điểm. Việc thực hiện thí điểm sẽ tạo nguồn thu bền vững cho thành phố và tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện.

Việc thực hiện thí điểm này theo ông Nguyễn Xuân Thành là rất khả thi. Trách nhiệm triển khai của địa phương, nếu thành công sẽ căn cứ vào việc thực hiện thí điểm để áp dụng cho các địa phương khác.

Minh Anh

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công