Trang thông tin điện tử về tài sản công

Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư chặng "nước rút" và thúc đẩy tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm

08:58 | 06/01/2023 Print
Tháng 1 là tháng cao điểm cho công tác giải ngân vốn đầu tư công (tính theo năm ngân sách). Các địa phương đang dồn lực cho chặng cuối để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, đồng thời đưa ra quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Bứt phá mạnh trong giải ngân

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng qua của cả nước vẫn đạt thấp (đạt 67,27% kế hoạch vốn giao), nhưng nhìn vào bảng tỷ lệ giải ngân của cả nước do Bộ Tài chính tổng hợp, có thể thấy nhiều địa phương đã có sự bứt phá mạnh.

Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh, xác định đầu tư công là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng GRDP, nên ngay từ đầu năm, tỉnh đã lên kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư công được giao và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cơ cấu lại vốn đầu tư công, giảm các công trình không thực sự cần thiết để tập trung đầu tư hoàn thành các công trình chuyển tiếp và triển khai đầu tư các dự án trọng điểm… Theo đó, tính đến hết tháng 12/2022, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch trung ương giao, bằng 95% kế hoạch điều hành của tỉnh. Dự kiến đến ngày 31/1/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công.

Thái Nguyên cũng là 1 tỉnh có sự bứt phá mạnh. 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh này nằm trong số những địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, nhưng ngay sau khi có sự đốc thúc của Chính phủ cùng với việc tháo gỡ được điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng, chỉ sau đó 2 tháng, tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên đứng trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất nước. Vị trí này vẫn được tỉnh Thái Nguyên duy trì cho đến thời điểm này.

Tập trung thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư chặng "nước rút" và thúc đẩy tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm. Ảnh: H.T

Theo báo cáo của Tổ công tác số 6, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng kiểm tra tại 6 địa phương (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Bình Dương) mới đây cho thấy, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương được kiểm tra tháng 10 là 35%, tháng 11 tăng lên 43% . Đối với vốn chương trình mục tiêu quốc gia trung ương giao vào tháng 5/2022 nên tỷ lệ giải ngân tháng 10 là 1,2%. Tuy nhiên, tháng 11 cũng tăng lên 10,7% kế hoạch (nguồn vốn này được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2023 theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội).

Ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương trên tăng lên đến từ việc Bộ Tài chính đã có Công văn số 12439/BTC-ĐT về kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Công văn số 963/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ.

“Ngay sau khi nhận được công văn, các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực và tỉnh Lai Châu là địa phương có chuyển biến cao nhất với số giải ngân tăng 13,1% (tháng 10 là 40,1%, tháng 11 tăng lên 53,9%). Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên 6 địa phương này vẫn là các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng thuộc nhóm thấp hơn bình quân chung cả nước là 58,48%” - ông Đức cho biết.

Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm ngân sách (tính đến ngày 31/1/2023), các địa phương đang ra sức đẩy mạnh tiến độ để đạt tỷ lệ cao nhất trong giải ngân đầu tư công. Mục tiêu phấn đấu của Chính phủ là năm 2022, sẽ giải ngân được 95% vốn kế hoạch, theo đó, tháng 1/2023 sẽ là tháng cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là tháng mà việc thực hiện, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 được khởi động.

Nối tiếp kết quả đã đạt được trong năm 2022, bước sang năm 2023, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới bảo đảm thủ tục chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình, quy định; hoàn thành phân bổ vốn chi tiết và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo.

Năm 2022, dù đã rất nỗ lực nhưng tỷ lệ giải ngân của TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt thấp. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới tỷ lệ trung bình của cả nước (theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính).

Trong năm 2023, để sớm đưa nguồn vốn đầu tư công vào trong xã hội, UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng bảng tiến độ thực hiện dự án và cập nhật tiến độ giải ngân vốn chi tiết của từng dự án, bám sát quy trình thủ tục từng giai đoạn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư…/.

Tô Ngọc

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công