Trang thông tin điện tử về tài sản công

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP

11:22 | 13/03/2023 Print
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Theo đó, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách.
Phí thu từ hoạt động dịch vụ của cơ quan nhà nước phải nộp về ngân sách (XB 11/3)
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP (XB 11/3). Ảnh: Minh họa

Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120

Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Triển khai thi hành luật, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng trình cấp có thẩm quyền (và ban hành theo thẩm quyền) 143 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó, có Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí) và 135 thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Nghị định số 120/2016/NĐ-CP (Nghị định số 120) được ban hành kịp thời (trong đó, quy định về: kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; về nguyên tắc xác định tỷ lệ để lại tiền phí thu được; nội dung chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và đề xuất mức thu phí, lệ phí) làm cơ sở cho Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định thu phí, lệ phí theo thẩm quyền.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị định số 120 có một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Luật Phí và lệ phí quy định: “Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN), trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp NSNN”.

Căn cứ quy định nêu trên, Nghị định số 120 quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng phí, việc xác định số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại cho tổ chức thu phí, các nội dung chi từ nguồn phí được để lại (chi thực hiện chế độ tự chủ, chi không thực hiện chế độ tự chủ, chi nhiệm vụ không thường xuyên) và cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động (cơ quan thực hiện cơ chế tài chính tự chủ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan công an, quốc phòng).

Trong quá trình thực hiện đã có phát sinh vướng mắc về cách hiểu quy định về cơ quan được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí. Có cách hiểu là cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ theo, quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ, là cơ quan được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí (được để lại tiền phí thu được), tuy nhiên, cũng có cách hiểu là các cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP phải được khoán thu – chi trong dự toán được giao hàng năm.

Bên cạnh đó, một số cơ quan nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù, được để lại tiền phí thu được để chi cho nội dung đặc thù (chi thu nhập tăng thêm, chi đầu tư…). Các nội dung chi được quy định tại các nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW thì cơ chế quản lý tài chính và thu nhập của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đang được rà soát sửa đổi để đảm bảo đồng bộ, toàn diện và thống nhất, do vậy, cũng cần phải sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120.

Dự thảo nghị định đã sửa đổi Điều 4 Nghị định số 120

Dự thảo nghị định đã sửa đổi Điều 4 Nghị định số 120. Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120 quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào NSNN, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp NSNN. Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm: cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Hiện nay, các cơ quan nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP và một số cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù. Quá trình thực hiện, có một số kiến nghị của địa phương đề nghị quy định rõ cơ quan nhà nước thu phí thuộc diện khoán chi hoạt động (được để lại tiền phí thu được).

Để quy định về cơ quan nhà nước thu phí thuộc diện khoán chi phí hoạt động được rõ ràng hơn, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120 như sau:

Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào NSNN, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp NSNN.

Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí bao gồm: cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP hoặc cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí”./.

MA

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công