Trang thông tin điện tử về tài sản công

Giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Các địa phương phải nhanh chóng gỡ “nút thắt”

11:26 | 20/03/2023 Print
3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Giảm nghèo bền vững được coi là 'đòn bẩy' giúp các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh đồng bằng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chương trình này, nhất là tiến độ giải ngân nguồn vốn vẫn đang rất chậm.

Tiến độ giải ngân quá chậm

Theo dự toán ngân sách trung ương năm 2022, kế hoạch thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 24.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 1/2023, nguồn vốn này đã giải ngân được 12.351 tỷ đồng.

Tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán NSNN năm 2023, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được kéo dài sang năm 2022) của 3 CTMTQG đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 517/NQ – UBTVQH15 ngày 22/5/2022 chưa giải ngân đến hết ngày 31/12/2023.

Như vậy, theo quy định, nguồn vốn của 3 CTMTQG còn lại là 11.649 tỷ đồng được phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm nay. Hiện có 2.781 tỷ đồng trong tổng số vốn còn lại này đã được làm thủ tục kéo dài. Tuy nhiên, hết tháng 2/2023, các địa phương mới giải ngân được 81 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 3/2023, các địa phương giải ngân 347 tỷ đồng.

Giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Các địa phương phải nhanh chóng gỡ “nút thắt”
Các địa phương cần nhanh chóng gỡ "nút thắt" trong giải ngân vốn 3 CTMTQG. Ảnh TL minh họa.

Tiến độ giải ngân này đang được đánh giá là quá thấp, vừa làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn vừa kéo chậm tiến độ phát triển của đồng bào dân tộc. Đã có nhiều “nút thắt” cản trở việc giải ngân nguồn vốn này được chỉ ra…

Năm 2023, tỉnh Lào Cai được trung ương giao hơn 1.700 tỷ đồng để thực hiện 3 CTMTQG. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới giải ngân được 30 tỷ đồng, tương đương 1,8% kế hoạch giao. Nguyên nhân là do thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết, nhiều quy định mới còn chồng chéo, vì thế, nhiều dự án thuộc 3 CTMTQG của địa phương vẫn còn đang ở khâu họp bàn, lấy ý kiến nhân dân nên chưa thể giải ngân.

Tương Dương là một huyện nghèo thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An. CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn huyện Tương Dương gồm 12 xã khu vực 3 và 5 xã khu vực 1 cùng 93 thôn đặc biệt khó khăn theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Theo báo cáo từ UBND huyện Tương Dương, năm 2022, nguồn ngân sách trung ương giao cho huyện hơn 142 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ được hơn 98 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, đến hết tháng 2/2023, huyện vẫn chưa giải ngân được do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Năm 2023, nguồn ngân sách trung ương giao cho huyện là hơn 151 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 1 dự án khởi công mới thuộc cấp huyện phê duyệt; 38 dự án chuyển tiếp; hỗ trợ nhà ở. Đến ngày 31/12/2022, UBND tỉnh đã bố trí gần 70 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch vốn được giao; đến tháng 2/2023 vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào…

Cần vào cuộc quyết liệt hơn

Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 3 CTMTQG, làm “đòn bẩy” cho các tỉnh miền núi phát triển, trong các cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quản lý, điều hành; hoàn tất việc phân bổ vốn của năm 2023 đã được trung ương giao; cân đối vốn đối ứng của các địa phương cho các CTMTQG.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, rủi ro về công tác cán bộ.

Đặc biệt, ngày 22/2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã phát ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với các bộ, cơ quan về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Tại thông báo, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu quy trình, thủ tục, cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và các đối tượng chính sách khác để thực hiện một số nội dung của các CTMTQG và một số nội dung khác (nếu có). Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ – CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 21/2/2023 về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Chính phủ trước ngày 23/3/2023.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh tiến độ giải ngân các CTMTQG, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp chính quyền tại các địa phương được giao nguồn vốn này. Phân công rõ nhiệm vụ các thành viên về phụ trách dự án và địa bàn; rà soát từng dự án cụ thể, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án./.

An Nhi

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công