Trang thông tin điện tử về tài sản công

Ngân hàng không thể “gánh” trên vai sức nặng quá lớn về nhu cầu vốn dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản

06:00 | 10/02/2023 Print
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản, nhiều gợi ý đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn về vốn. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa ngân hàng có thể giải quyết được đáng kể vấn đề, bởi vốn ngân hàng chỉ là vốn ngắn hạn, không thể “gánh” trên vai sức nặng quá lớn về nhu cầu vốn dài hạn.

Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản là quan hệ "cùng trên một chiếc thuyền"

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hầu hết các ngân hàng thương mại lớn đã ngồi cùng với đại diện các doanh nghiệp bất động sản để bàn thảo giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu gợi mở ra ít nhiều hy vọng về dòng vốn cho bất động sản. Theo đó, một trong những quan điểm đáng chú ý là cả đại diện NHNN và nhiều ngân hàng thương mại đã khẳng định, quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản là quan hệ “cùng trên một chiếc thuyền”. Vì lợi ích của chính mình, ngân hàng không thể làm ngơ trước khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Do đó, các ngân hàng sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng tháo gỡ trong khả năng và điều kiện cho phép.

Vốn cho bất động sản: Không thể trông chờ hết vào ngân hàng
Ảnh TL

Ông Phạm Hữu Hoa - đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh nghiệp bất động sản khi triển khai dự án có rất nhiều khoản chi phí khác nhau, nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng chấp nhận để đưa vào danh mục thẩm định cho vay. Ngoài ra, ông Hoa cũng đề cập đến hạn chế về “room” cho vay và vì các ngân hàng bị khống chế “room” nên lãi suất bị đẩy lên cao gây khó khăn về chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Bổ sung thêm về vấn đề “room”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị ngân hàng nới “room” từ rất sớm nhưng đến tháng 12 mới được nới và lúc đó đã là quá muộn nên cũng không giải quyết được nhiều.

Cũng liên quan đến vấn đề lãi suất, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc ngân hàng đánh giá kinh doanh bất động sản là lĩnh vực rủi ro cao nên xác định lãi suất cao cũng là yếu tố khó khăn. Quan điểm này cho rằng, thực chất với những dự án có pháp lý đầy đủ, nhà đầu tư năng lực tốt thì rủi ro cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác. Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp cũng đề cập đến những khúc mắc trong việc tái cơ cấu lại các khoản nợ, khiến doanh nghiệp khi hết thời hạn khoản nợ cũ khó vay tiếp những khoản nợ mới.

Bà Đỗ Thị Phương Lan - Giám đốc phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland, đề cập một số vấn đề trong việc tiếp cận vốn cho các dự án ở xa trung tâm đi kèm đầu tư hạ tầng. Bà Lan đề xuất ngành Ngân hàng cần có cơ chế tín dụng phù hợp cho các dự án có đầu tư hạ tầng.

Ngân hàng thương mại phải tiếp xúc các doanh nghiệp ở mức độ sâu sát hơn nữa

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, thực chất trong thời gian qua NHNN không có chủ trương hoặc chỉ đạo nào cho thấy có việc siết đối với lĩnh vực bất động sản. “Một số văn bản chỉ đạo chỉ thể hiện việc tăng cường giám sát với một số phân khúc có tính rủi ro cao để đảm bảo an toàn tín dụng” - ông Tú nói. Thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2022 vẫn đạt tới trên 21,2%, cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 14,5% của năm 2022.

Về vấn đề "room" tín dụng, theo ông Tú, từ quý III/2022 cũng có nhiều kiến nghị nới “room” nhưng thực chất “room” lúc đó vẫn còn chứ không phải hết. Vấn đề chỉ là việc phân bổ trong hệ thống của các ngân hàng thương mại, có chỗ thiếu, nhưng có chỗ thực ra vẫn thừa “room”. Ngoài ra đến thời điểm này đã sang năm mới 2023, “room” không còn là vấn đề cản trở dòng vốn tín dụng nữa vì không có ngân hàng nào bị hết “room” lúc này. Do đó đến thời điểm này nếu doanh nghiệp nào đó chưa tiếp cận được vốn thì do vấn đề khác, chứ không phải do “room”.

Mặc dù vậy, ông Tú cho biết NHNN sẽ vẫn tiếp tục lắng nghe và tổng hợp cân nhắc các ý kiến để giải quyết theo thẩm quyền. Quan điểm của NHNN là những vấn đề gì có thể tháo gỡ thì sẽ thực hiện tháo gỡ, ngoài ra, đại diện NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải tiếp xúc các doanh nghiệp ở mức độ sâu sát hơn nữa.

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cũng chia sẻ thông tin cho biết, đã có họp bàn với các chi nhánh để có thể giảm lãi suất huy động và theo đó giảm chi phí vốn vay, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp. Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV, cũng cho biết BIDV đã có cuộc họp với 15 doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe ý kiến và tới đây sẽ họp với từng doanh nghiệp để cùng bàn các giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Mặc dù vậy, đại diện NHNN và một số ngân hàng thương mại cũng cho rằng, vẫn có những việc ngân hàng không thể thực hiện được bởi liên quan đến các quy định pháp luật khác ngoài khả năng của ngành Ngân hàng. Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Dũng - quyền Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, ngành Ngân hàng cũng không thể dành cơ chế ưu đãi riêng cho ngành bất động sản vì ngành này kiến nghị được thì ngành khác cũng có thể kiến nghị. Nếu “chiều” hết các kiến nghị để ai cũng được cơ chế đặc thù thì quy trình cho vay của ngân hàng sẽ bị mất quy chuẩn, như vậy các tổ chức quốc tế sẽ hạ điểm xếp hạng đối với ngân hàng của Việt Nam.

Hoàng Long

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công