Trang thông tin điện tử về tài sản công

Giải pháp giúp khai thông gói hỗ trợ lãi suất 2%

06:00 | 16/02/2023 Print
Nghị định sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được Chính phủ xem xét để ban hành. Theo đó, nhiều điểm nghẽn trước đây do những khái niệm chưa rõ ràng sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất ưu đãi.

Các hướng dẫn chưa bao quát hết

Nghị định 31 được ban hành từ tháng 5/2022, là văn bản cụ thể hóa các chính sách của Quốc hội và Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) có đề cập quan điểm chỉ đạo về việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Tiếp đó, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ (về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) cũng tiếp tục đề cập cụ thể hơn về gói hỗ trợ 2% lãi suất, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023.

Gỡ điểm nghẽn, khai thông gói hỗ trợ lãi suất 2%
Giải pháp giúp khai thông gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh họa

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo nghị định. Đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Quá trình thực tế có nhiều khúc mắc khiến việc giải ngân bị chậm trễ, bao gồm cả lý do chủ quan do tâm lý e ngại lẫn lý do khách quan do những vấn đề thực tế phát sinh phức tạp mà các nội dung hướng dẫn chưa bao quát hết. Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Nghị định 31 chỉ thực hiện với khách hàng có khả năng phục hồi. Mà riêng việc đánh giá “khả năng phục hồi” cũng đã khá khó khăn. Theo đó, việc này cũng rất dễ có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các ngân hàng do những nhận định khác nhau.

Khắc phục những khái niệm trừu tượng

Hiện tại, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 31 đang được NHNN trình Chính phủ và nội dung dự thảo đã có nhiều chỉnh sửa, trên cơ sở khắc phục những vướng mắc từng xảy ra khi thực hiện trong thực tiễn.

Theo nội dung tờ trình của NHNN về sửa đổi Nghị định 31, mục đích xây dựng dự thảo nghị định nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại và khách hàng trong việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Theo đó, để tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai, ngân hàng thương mại và khách hàng không cần xem xét các tiêu chí khác và chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Ngoài ra, một trong những nội dung gây vướng mắc trước đây là khái niệm “khách hàng có khả năng phục hồi” dự kiến cũng sẽ được giải thích rõ hơn. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại và khách hàng trong việc triển khai chính sách. NHNN cho biết, sau khi nghị định được ban hành, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đôn đốc, nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất về thực hiện Nghị định 31 thời gian qua, bởi vậy nếu khái niệm này được hướng dẫn rõ hơn thì việc xác định khách hàng đủ điều kiện cũng sẽ dễ dàng hơn. NHNN cho biết, khảo sát thực tế từ các ngân hàng thương mại và khách hàng cho thấy, bản thân khách hàng dù có đủ khả năng trả nợ, song tự họ cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” hay không.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi các quy định của Nghị định 31 sẽ chỉ giải quyết được vấn đề khách quan, nhưng những vấn đề chủ quan, nhất là yếu tố chủ quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của ngân hàng sẽ là một khó khăn phải đối mặt. Chẳng hạn như, những tâm lý e ngại không muốn tham gia chương trình nằm từ phía khách hàng, dù là đối tượng đủ điều kiện sẽ là một trong những lý do có thể khiến chương trình vẫn có những trở ngại nhất định. Trước thực trạng này, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, nếu thực hiện các giải pháp cho gói hỗ trợ 2% từ ngân sách vẫn không sử dụng hết, thì NHNN cũng có thể đề xuất phương án chuyển ngân sách cho các chương trình có khả năng hấp thụ vốn tốt hơn.

Chí Tín

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công