Trang thông tin điện tử về tài sản công

Mức lương cơ sở tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả

12:51 | 10/06/2023 Print
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, từ 1/7 mức lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu, theo tính toán thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả. Tuy nhiên, vẫn phải hết sức quan tâm đến việc kiểm soát giá để cuối năm 2023 đạt mục tiêu CPI không tăng quá 4,5%.

Điều hành giá là nghệ thuật, cần sự uyển chuyển

Trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) băn khoăn về giải pháp tổng thể về điều hành giá thời gian tới để kiểm soát lạm phát, tránh hiệu ứng "tăng lương giá cũng tăng".

Tăng lương cơ sở không ảnh hưởng nhiều đến giá
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng điều hành giá là nghệ thuật "cần sự uyển chuyển", trong điều kiện chúng ta điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc là phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa.

Theo Phó Thủ tướng, điều hành giá phải căn cứ vào tín hiệu thị trường mà thị trường thì thay đổi hàng ngày. Do đó, phải nắm bắt thị trường để có những giải pháp, kịch bản để điều hành cho uyển chuyển và đáp ứng được yêu cầu, đạt được mục tiêu Quốc hội giao. Năm 2022, Quốc hội giao chỉ tiêu CPI tăng 4%, năm 2023 khoảng 4,5%.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung cầu, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu. Với mặt hàng Nhà nước định giá thì phải giữ được giá, còn lại mặt hàng không định giá thì theo thị trường nhưng phải niêm yết, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Cùng với đó phải tuyên truyền, thông tin đầy đủ về thông tin giá để đông đảo người dân hiểu và ủng hộ việc điều hành giá của Chính phủ.

"Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu, chúng tôi tính toán rất kỹ rồi, cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt mục tiêu CPI không vượt quá 4,5%” - Phó Thủ tướng nói.

Khó kiểm soát sở hữu chéo "ngầm"

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại, bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu, hệ lụy là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt khi sự kiện Vạn Thịnh Phát nổ ra đầu hồi tháng 10/2022. Do đó, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời cho hay, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo trong các ngân hàng. Với chức năng của mình, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp sở hữu đã có công khai thì đã được xử lý ngay và không còn trường hợp sở hữu chéo trên hồ sơ, sổ sách. Song trong thực tế có những trường hợp đứng tên hộ, nhờ đứng tên… nên khó xử lý, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật thì mới giải quyết được.

Theo Phó Thủ tướng, sở hữu chéo còn có tác dụng nguy hiểm là không chỉ sở hữu về vốn mà còn sở hữu chéo trong đầu tư, tín dụng, làm méo mó các hoạt động kinh tế. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên thanh tra để tiến tới hạn chế đến mức tối đa đối với sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.

Nêu một số giải pháp cơ bản để ngăn chặn sở hữu chéo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phải hoàn thiện về cơ chế, chính sách và đề nghị các đại biểu Quốc hội cùng đóng góp để hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để có căn cứ pháp lý vững chắc kiểm soát, xử lý tình trạng này. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ…/.

Hoàng Yến

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công