Trang thông tin điện tử về tài sản công

Thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

05:00 | 03/03/2024 Print
Với vai trò và trách nhiệm của mình, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước còn tích cực thực hiện thu hồi vốn tạm ứng giúp tăng hiệu quả cho nguồn vốn đầu tư công.

Thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư thu hồi vốn tạm ứng

Việc các dự án đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư (CĐT) không thực hiện ngay việc thu hồi vốn tạm ứng nên một lượng vốn lớn của ngân sách nhà nước bị ứ đọng đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư công. Quyết tâm đẩy lùi tình trạng này, KBNN đã thực hiện nhiều giải pháp.

Cụ thể, đối với số dư tạm ứng bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa chi trả được cho đối tượng thụ hưởng, cho người dân, KBNN đã rà soát lại và thực hiện trích từ tài khoản tiền gửi của CĐT, hoặc của tổ chức làm nhiệm vụ hỗ trợ, bồi thường GPMB và tái định cư để nộp NSNN. Cách làm này đã giảm được số vốn đã tạm ứng cho các dự án.

Đối với những dự án, công trình đã hoàn thành toàn bộ, hoặc hoàn thành từng phần, KBNN đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo CĐT, ban quản lý dự án rà soát, làm thủ tục quyết toán, xử lý dứt điểm công nợ thông qua việc thu hồi lại số vốn đã được thanh toán cao hơn quyết toán được duyệt, hoặc bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho những hạng mục được quyết toán cao hơn số vốn đã thanh toán và làm thủ tục tất toán tài khoản tại KBNN.

Thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Kho bạc Nhà nước thực hiện thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Ảnh TL minh họa.

Đối với các dự án, công trình bị đình hoãn, không thi công tiếp và chưa có khối lượng để thu hồi tạm ứng; dự án thuộc các ban quản lý đã bị giải thể, cơ quan chủ quản tách hoặc sáp nhập, KBNN đề nghị bộ, ngành, UBND các cấp xem xét để có phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài việc đôn đốc các CĐT thực hiện thu hồi tạm ứng, KBNN còn ban hành nhiều công văn yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc tăng cường quản lý vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng.

Cụ thể, KBNN đã đề nghị các đơn vị KBNN chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thường xuyên theo dõi kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng; tăng cường rà soát các khoản tạm ứng sắp đến hạn phải thu hồi để đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng.

Đồng thời, KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN phối hợp với CĐT thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; đôn đốc CĐT thực hiện lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng vốn đầu tư theo từng dự án gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi giao dịch đúng quy định của Chính phủ.

Sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống

Thực hiện các yêu cầu của KBNN trong việc thu hồi vốn tạm ứng, các đơn vị KBNN địa phương đã quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp để số dư nợ tạm ứng vốn đầu tư tại đơn vị luôn ở mức thấp nhất.

Trong năm 2023 vừa qua, Lạng Sơn là 1 trong 10 tỉnh có số dư tạm ứng quá hạn cao nhất cả nước. Trong đó, số dư tạm ứng quá hạn chủ yếu là chi phí GPMB của 2 dự án phát sinh tạm ứng trong năm 2021 và 2022.

Để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng, KBNN Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra tại một số chủ đầu tư có số vốn tạm ứng lớn, số vốn tạm ứng quá hạn, số vốn tạm ứng kéo dài nhiều năm.

Qua kiểm tra, KBNN Lạng Sơn đã kiến nghị xử phạt 1 trường hợp vi phạm thời gian hoàn ứng đối với chi GPMB chi trả cho đối tượng thụ hưởng, kiến nghị CĐT và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý vốn tạm ứng thu hồi tạm ứng theo quy định. Đồng thời, KBNN Lạng Sơn đã báo cáo kết quả kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo CĐT, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý vốn tạm ứng, thu hồi tạm ứng.

Đến hết tháng 1/2024, KBNN Lạng Sơn đã thu hồi được trên 48,5% tổng dư ứng quá hạn năm trước chuyển sang, trong đó có những khoản được tạm ứng từ những năm 2014, 2015, 2016…

Là một tỉnh nhỏ nhưng số dư tạm ứng vốn ĐTC tại Đắk Lắk chiếm tỷ lệ khá cao. Theo KBNN Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc thu hồi vốn tạm ứng tại địa phương gặp khó. Trong đó, có nguyên nhân từ mức thu hồi tạm ứng đối với công việc thực hiện thông qua hợp đồng (xây lắp, tư vấn…) còn chưa quy định rõ tỷ lệ, mức phải thu hồi tạm ứng qua từng lần thanh toán, dẫn đến CĐT và nhà thầu thống nhất quy định trong hợp đồng mức thu tạm ứng rất thấp (như: mức thu tạm ứng tối thiểu 10% giá trị khối lượng hoàn thành qua từng lần thanh toán…). Vì vậy, số dư tạm ứng ở mức cao kéo dài qua nhiều năm, cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới thu hồi hết tạm ứng.

Khắc phục tình trạng này, KBNN Đắk Lắk đã ban hành nhiều công văn, thông báo để CĐT biết và chủ động xử lý đối với các hợp đồng có vốn tạm ứng sắp quá hạn; đề nghị CĐT thu hồi của nhà thầu vốn tạm ứng đã quá hạn hoặc đề nghị CĐT yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng khi nhà thầu vi phạm cam kết việc sử dụng vốn tạm ứng… Cùng với đó, KBNN Đắk Lắk đã thường xuyên rà soát, đề nghị CĐT yêu cầu nhà thầu gia hạn đối với bảo lãnh tạm ứng gần hết hiệu lực.

KBNN Đắk Lắk cũng tích cực báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương tình hình tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, phân loại các khoản tạm ứng quá hạn và đề xuất các biện pháp xử lý. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, CĐT, ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện và các cơ quan có liên quan quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi vốn tạm ứng, nhất là các khoản tạm ứng đã quá hạn. Theo đó, số dư tạm ứng tại KBNN Đắk Lắk đã giảm rõ rệt.

Theo báo cáo KBNN Đắk Lắk, dư tạm ứng vốn đầu tư của các năm trước chuyển sang năm 2023 thuộc nguồn ngân sách tỉnh là 1.532 tỷ đồng. KBNN Đắk Lắk đã thực hiện thu hồi trong năm 2023 được 783 tỷ đồng…/.

An Nhi

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công