Trang thông tin điện tử về tài sản công

Áp mã HS linh kiện, phụ tùng xe ô tô do doanh nghiệp có giấy chứng nhận sản xuất, lắp ráp nhập khẩu

11:04 | 12/03/2024 Print
Tổng cục Hải quan vừa có ý kiến và hướng dẫn thực hiện việc áp mã số HS linh kiện, phụ tùng xe ô tô do doanh nghiệp có giấy chứng nhận sản xuất, lắp ráp ô tô nhập khẩu.

Tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 26/2023/NĐ-CP quy định: “Từ ngày 1/10/2022 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, không áp dụng điều kiện về mức độ rời rạ tối thiểu của linh kiện ô tô theo điểm b khoản 3.1 Điều 7a quy định tại khoản 3 Điều 2 và điểm b.5 khoản 3 mục 2 Chương 98 Nghị định 57/2020/NĐ-CP... Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu (DN NK) bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp, bao gồm cả DN NK ủy quyền, NK ủy thác có hợp đồng ủy thác, DN NK kinh doanh có hợp đồng mua bán với DN sản xuất lắp ráp ô tô trong giai đoạn từ 1/10/2022 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành lựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP, riêng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô không phải áp dụng”.

Trong quá trình thực hiện khoản 3 Điều 12 Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát sinh vướng mắc.

2524-000009-1409
Linh kiện ô tô. Ảnh minh họa.

Đối chiếu với quy định hiện hành, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN NK bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp, bao gồm cả DN NK ủy quyền, NK ủy thác có hợp đồng ủy thác, DN NK kinh doanh có hợp đồng mua bán với DN sản xuất lắp ráp ô tô trong giai đoạn từ 1/10/2022 đến trước ngày 15/7/2023 (ngày Nghị định 26/2023/NĐ-CP có hiệu lực) nhưng không tham gia chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô thì được lựa chọn các tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP, riêng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô không phải áp dụng.

Liên quan đến vướng mắc về phân loại và áp dụng mức thuế, điểm b.5 khoản 3 mục 1 Chương 98 phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP quy định: “DN NK linh kiện theo hình thức bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ được phân loại theo mã hàng và áp dụng mức thuế suất thuế NK ưu đãi của từng linh kiện, phụ tùng ghi tại 97 chương thuộc mục 1 phụ lục 2 nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại b.5.1 và điểm b.5.2 khoản này...”.

Theo quy định thì mặt hàng NK được mô tả tại nhóm 98.21 phải là bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô, có mã hàng tương ứng tại mục 1 phụ lục 2 là mã hàng của xe ô tô nguyên chiếc. Do đó, hàng hóa NK thuộc nhóm 98.21 đã mang đặc trưng cơ bản của xe ô tô nguyên chiếc.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho rằng, trường hợp hàng hóa của DN NK là “cần gạt nước trái, phải, lưỡi gạt, cần nối, bình nước gạt nước trước” là bộ phận của cái gạt nước hoàn chỉnh (kể cả trường hợp có mặt hàng “dây diện gạt nước” thuộc các tờ khai nhánh cùng lô hàng) không thỏa mãn quy định là bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc nhóm 98.21 mà phân loại theo hàng hóa thực tế NK./.

Hải Quan

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công