Trang thông tin điện tử về tài sản công

Hướng dẫn về tạm ứng và thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước

08:52 | 22/03/2024 Print
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), có hiệu lực từ ngày 1/5/2024. Trong đó, Thông tư 17 đã hướng dẫn cụ thể về tạm ứng và thanh toán tạm ứng.
Hướng dẫn về tạm ứng và thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước
Hướng dẫn về tạm ứng và thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước. Ảnh: TL

Thông tư nêu rõ, tạm ứng áp dụng đối với khoản chi ngân scahs nhà nước (NSNN) của đơn vị sử dụng ngân sách chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ KBNN.

Nội dung tạm ứng thực hiện theo quy định của hợp đồng (đối với trường hợp thực hiện theo hợp đồng) và theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách (đối với trường hợp không có hợp đồng hoặc hợp đồng có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng).

Về mức tạm ứng, đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng, mức tạm ứng thực hiện theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng NSNN và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó, trừ trường hợp sau:

Đối với hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (hoặc thông qua một đơn vị nhập khẩu ủy thác) phải mở thư tín dụng (L/C) tại ngân hàng và trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn nhưng không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó.

Đối với các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc tạm ứng được thực hiện trong phạm vi dự toán được giao, theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng không vượt quá 50 triệu đồng. Mức tạm ứng theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách và trong phạm vi dự toán được giao. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về mức đề nghị tạm ứng theo đúng quy định.

Về thanh toán tạm ứng, Thông tư 17 quy định, đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện thanh toán tạm ứng với KBNN nơi giao dịch.

Cụ thể, đối với các khoản chi không có hợp đồng hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng đến KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán tạm ứng chậm nhất với KBNN vào ngày cuối cùng của tháng kế tiếp tháng tạm ứng (trừ khoản chi trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Thông tư số 44/2022/TT-BTC và Thông tư số 76/2021/TT-BTC).

Đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến KBNN (trường hợp hợp đồng có giá trị trên 50 triệu đồng), đơn vị sử dụng ngân sách thanh toán tạm ứng bắt đầu ngay từ lần thanh toán khối lượng hoàn thành đầu tiên của hợp đồng. Mức thanh toán tạm ứng từng lần do đơn vị sử dụng ngân sách thống nhất với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và quy định cụ thể trong hợp đồng, đảm bảo thanh toán hết tạm ứng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng.

Khi thanh toán tạm ứng, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm gửi đến KBNN giấy đề nghị thanh toán tạm ứng; bảng kê nội dung thanh toán hoặc tạm ứng (đối với những khoản chi không có hợp đồng hoặc những khoản chi có hợp đồng với giá trị không quá 50 triệu đồng); các hồ sơ, chứng từ tương ứng có liên quan theo quy định để KBNN kiểm soát, thanh toán (trừ các hồ sơ đã gửi khi tạm ứng).

Trường hợp đủ điều kiện quy định, KBNN thực hiện thanh toán tạm ứng cho đơn vị sử dụng ngân sách. Tất cả các khoản đã tạm ứng (kể cả tạm ứng bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản) để chi theo dự toán NSNN đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán được xử lý theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC.

Ngoài ra, Thông tư 17 cũng quy định cụ thể về bảo lãnh tạm ứng, trong đó có yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo và chịu trách nhiệm về giá trị của bảo lãnh tạm ứng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp không nhỏ hơn số dư tiền tạm ứng còn lại.

Nụ Bùi

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công