Trang thông tin điện tử về tài sản công

Yên Bái: Chỉ số tiếp cận đất đai của người dân được nâng cao

00:00 | 28/09/2021 Print
“Tiếp cận đất đai” là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương trong thu hút đầu tư. Những năm qua, Yên Bái đang dần cải thiện chỉ số này thông qua việc quản lý đất đai một cách hiệu quả linh hoạt cùng với việc cập nhật các quy định mới của pháp luật đất đai.
Yên Bái: Chỉ số tiếp cận đất đai của người dân được nâng cao

Tỉnh Yên Bái đã ban hành quy chế phối hợp giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai.

Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao như: Chương trình, kế hoạch tại Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 19/2/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 của tỉnh Yên Bái; Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 10/8/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 – 2020 và Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 26/3/2020.

Qua đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Trong đó chỉ số tiếp cận đất đai tăng đều qua các năm, năm 2018 là 5,99 điểm; năm 2019 là 6,11 điểm; năm 2020 là 6,72 (tăng 0,61 điểm so với năm 2019), góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Riêng trong năm 2020, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định giải quyết tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản để huy động nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh việc giám sát khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đánh giá tác động môi trường để sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về TN&MT; khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính đều được ưu tiên giải quyết ngay./.

T.N (t/h)

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công