Trang thông tin điện tử về tài sản công

Bổ sung chế tài xử lý vi phạm về quản lý khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia

00:00 | 23/06/2021 Print
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Bổ sung chế tài xử lý vi phạm về quản lý khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia (xb 23.6)
Ảnh: Minh họa

Phạt từ 10 triệu đồng - 150 triệu đồng vi phạm quy định về quản lý khoáng sản

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung Điều 54a vi phạm quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có nhiều dự án xây dựng công trình được triển khai trên khu vực đất mà bên dưới là khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Quy định này nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản tại khu vực nêu trên để phù hợp với quy định tại Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được ban hành dẫn đến cần bổ sung quy định liên quan đến vi phạm quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Theo dự thảo, vi phạm quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được đề xuất xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, báo cáo khối lượng khoáng sản thu hồi với UBND cấp tỉnh nơi thực hiện dự án.

Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo UBND cấp tỉnh nơi có dự án để gửi văn bản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, khoanh định phạm vi khu vực có khoáng sản bị tác động trong trường hợp khi triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia mà bắt buộc phải san gạt, đào đắp bề mặt địa hình tác động trực tiếp đến khoáng sản dự trữ mà không thể bảo vệ nguyên trạng khoáng sản thuộc diện dự trữ và có văn bản chấp thuận việc thu hồi làm cơ sở UBND cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư quyết định việc thu hồi khoáng sản.

Hành vi thu hồi khoáng sản vượt quá phạm vi hoặc khối lượng khoáng sản mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và được UBND cấp tỉnh nơi có dự án cho phép hoặc lập báo cáo sai về khối lượng khoáng sản thu hồi trình UBND cấp tỉnh sẽ bị phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.

Phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm bị buộc phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép thu hồi hoặc phạm vi dự án về trạng thái an toàn; buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc…

Khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt

Về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đầu tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Theo đó, khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khoáng sản, nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định này.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại các khu vực đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm: Bảo vệ khoáng sản trong phạm vi khu vực triển khai dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trường hợp vi phạm quy định này, ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và khối lượng khoáng sản bị khai thác trái phép, chủ đầu tư dự án còn bị đình chỉ có thời hạn việc thực hiện dự án đầu tư hoặc bị thu hồi quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị định 51 cũng quy định không thực hiện dự án đầu tư sau đây tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia: Các dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng; các công trình xây dựng thuộc cấp công trình đặc biệt, cấp I theo quy định pháp luật về xây dựng, trừ dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải có đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản đã được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án; phải có giải pháp bảo vệ loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Về bồi thường thiệt hại khi thu hồi dự án đầu tư, nghị định nêu rõ, trường hợp Thủ tướng Chính phủ giảm diện tích khu vực dự trữ, giảm thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc dự án quan trọng quốc gia mà ảnh hưởng trực tiếp đến dự án đầu tư thì chủ đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan.

Nhà nước không chịu trách nhiệm đền bù cho chủ đầu tư dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi đã hết thời gian dự trữ khoáng sản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.

Nam Khánh (TH)

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công