Trang thông tin điện tử về tài sản công

Hà Nội sẽ điều tra, khởi tố các chủ thể vi phạm quỹ bảo trì nhà chung cư

21:37 | 06/11/2021 Print
Tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân đang là vấn đề "nóng”, nhiều sự việc ồn ào kéo dài gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương… UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

Tăng cường thanh tra chuyên ngành về nhà ở

Thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, hiện thành phố có 845 nhà chung cư thương mại được đưa vào vận hành; đã thành lập 632 ban quản trị nhà chung cư; bàn giao 560 hồ sơ cho ban quản trị; bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 399 ban quản trị các tòa chung cư. Nhưng điều đáng nói là vẫn còn sự chậm trễ trong việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư, bàn giao quỹ bảo trì 2% khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Theo Bộ Xây dựng, hiện số vụ tranh chấp liên quan đến sử dụng quỹ bảo trì chung cư chỉ đứng sau tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng, nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê của tòa nhà…

Hà Nội sẽ điều tra, khởi tố các chủ thể vi phạm quỹ bảo trì nhà chung cư
Hà Nội sẽ điều tra, khởi tố các chủ thể vi phạm quỹ bảo trì nhà chung cư.

Điển hình như sự việc vừa qua tại chung cư Riveside Garden, số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân. Chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc) đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định, khiến các cư dân bức xúc.

Hay dự án 6th Element do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư cũng xảy ra những vi phạm trong vấn đề tương tự.

Để hạn chế tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản 3734/UBND-SXD, thực hiện chỉ thị của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư...

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn thành phố, trong đó tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định...

Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội cũng giao công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 02/CT-BXD; hàng quý báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, chú trọng việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

UBND các quận, huyện, thị xã khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư thì khẩn trương kiểm tra và ban hành quyết định công nhận hoặc ủy quyền cho UBND cấp xã nơi có nhà chung cư kiểm tra hồ sơ và ban hành quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư theo quy định...

Loạt chủ đầu tư bị xử lý vi phạm quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư

Từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, có biểu hiện không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại một số địa phương.

Sau thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư, cụm nhà chung cư và buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định; đồng thời, quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng kinh phí bảo trì trên 344,96 tỷ đồng.

Đồng thời, lực lượng chức năng buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư với tổng số tiền 1,03 tỷ đồng. Đặc biệt, những kết luận thanh tra này đã giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.

Theo Bộ Xây dựng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là nhận thức pháp luật, thái độ làm việc để đi đến thống nhất giữa chủ đầu tư và ban quản trị chưa đồng nhất.

Mặt khác, do nhiều chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng sử dụng, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung của nhà chung cư và không thống nhất được các phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, thiết bị thuộc sở hữu chung nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.

Ngoài ra, để nảy sinh nhiều sự việc căng thẳng còn do chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công. Đồng thời cũng không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị. Hay do chưa quyết toán số liệu gồm gốc và lãi kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư đã bàn giao và ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì./.

Văn Tuấn

© Bản quyền thuộc Trang thông tin điện tử về Tài sản công