ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% năm 2024
Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Chia sẻ tại buổi họp báo công bố báo cáo, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Shantanu Chakraborty nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ”.
Công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.L |
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam. Các đơn đặt hàng mới dần quay trở lại và tiêu dùng phục hồi đã khôi phục tăng trưởng sản xuất trong nửa đầu năm 2024 và đà tăng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong cả năm.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất tăng nhẹ trên 52,4% vào tháng 8/2024 và tiếp tục đà mở rộng, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Nhu cầu ngoại đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7,3% trong năm 2024 và tiếp tục mở rộng ở mức 7,5% vào năm 2025. Xây dựng sẽ tiếp tục tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo kế hoạch.
Cùng với đó, dòng vốn FDI tích cực, tiếp tục tăng và hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, 13,6 tỷ USD (77%) được dành cho các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, thúc đẩy hơn nữa việc mở rộng xuất khẩu.
Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Các lĩnh vực khác được dự kiến tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Dự kiến dịch vụ sẽ tiếp tục tăng 6,6%, nhờ sự phục hồi của du lịch và các dịch vụ liên quan…
Với những tín hiệu tích cực trên, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 4% trong 2 năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga – Ukraine có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát.
Kết hợp cân bằng giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa
Báo cáo ADO tháng 9 cũng nêu bật một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam.
Bên ngoài, triển vọng kinh tế phục hồi chậm có thể tiếp tục hạn chế nhu cầu, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm. Xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng do dịch chuyển thương mại từ việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm như hàng may mặc, dệt may và điện tử, cũng như rủi ro từ căng thẳng địa chính trị leo thang và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
Cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong tháng 11 có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Trong nước, nền kinh tế thực tiếp tục cho thấy những yếu kém đối với nền tảng cấu trúc cơ bản của nó. Cầu nội địa yếu đòi hỏi phải thực hiện mạnh hơn các biện pháp kích thích tài khóa.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa.
Tăng nhu cầu trong nước đòi hỏi phải có các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn phải duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Theo kinh tế gia trưởng của ADB tại Việt Nam, việc phối hợp các chính sách đóng vai trò quan trọng góp phần phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tăng nhẹ và cầu còn yếu. Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ nới lỏng phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực hiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh tế. Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là ổn định giá cả và tăng trưởng, cho dù không gian chính sách bị hạn chế. Rủi ro về các khoản nợ xấu gia tăng do chu kỳ suy thoái kinh tế hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Về phía cầu, do tiêu dùng hiện vẫn đang ở mức thấp nên chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng. Đầu tư công sẽ có vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tiếp tục chính sách hỗ trợ tài khóa và gia tăng đầu tư công sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong nửa cuối năm 2024./.