Cần chấm dứt lãng phí trong đầu tư công để phục hồi nền kinh tế
Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã chỉ ra nhiều mặt tích cực của công tác này trong năm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn có một vài lĩnh vực còn tồn tại lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.
PV: Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021, trong đó có báo cáo cụ thể về lĩnh vực đầu tư công. Theo ông, mặt tích cực trong công tác quản lý đầu tư công thời gian qua là gì?
TS. Cấn Văn Lực |
TS. Cấn Văn Lực: Công tác đầu tư công đã có nhiều chuyển biến tích cực khi các thể chế đã được hoàn thiện hơn trong các Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, các quy trình về thủ tục đầu tư xây dựng phần nào đã được rút gọn và công tác giao kế hoạch cũng được triển khai bài bản hơn.
Hơn nữa, trong 2 năm vừa qua (2020 - 2021) việc giải ngân vốn đầu tư công đã được thúc đẩy, tăng cao hơn so với giai đoạn trước kể cả trong bối cảnh cả nước vừa trải qua nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19.
PV: Bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý đầu tư công vẫn còn không ít những hạn chế, chủ yếu là những “căn bệnh” đã kéo dài lâu nay. Theo ông, đâu là những hạn chế đáng kể nhất?
TS. Cấn Văn Lực: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nhiều lần đôn đốc và họp bàn. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác do các Phó Thủ tướng và 2 tư lệnh ngành làm tổ trưởng. Tại các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư. Nhưng rõ ràng, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất chậm.
Những tồn tại, vướng mắc này đã được cơ quan Chính phủ và khá nhiều bộ, ngành chỉ ra. Nhưng tôi cho rằng, vướng mắc lớn nhất và quan trọng nhất chính là vai trò và tính quyết liệt của người đứng đầu các cấp bộ, ngành, địa phương. Vì không có tính quyết liệt, không thể hiện rõ được vai trò của người đứng đầu nên đã có tình trạng, cùng một dự án và trong cùng thể chế, có địa phương làm được nhưng có địa phương làm rất chậm chạp.
Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn luôn là vấn đề nan giải bởi nó gắn chặt với chuyện thiếu công bằng, thiếu công khai minh bạch, giá đền bù không hợp lý... đã dẫn đến rất nhiều tranh chấp xảy ra.
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân |
Ngoài ra, quy trình thủ tục đầu tư và xây dựng (bao gồm cả những dự án có vốn nước ngoài) vẫn rất phức tạp và phải qua rất nhiều bước khiến cho quá trình phê duyệt đầu tư xây dựng luôn bị kéo dài, tính bằng năm.
Cuối cùng chính là năng lực của một số chủ đầu tư có vấn đề. Do đó, chỗ thì yếu về năng lực quản lý, chỗ thì yếu về năng lực tài chính, không có khả năng huy động vốn dẫn đến các dự án bị kéo dài hoặc bị đình trệ.
PV: Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông thấy những hạn chế này gây thất thoát, lãng phí ra sao, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đầu tư công, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên, có nhiều dự án, nhiều vấn đề tồn đọng lâu nay chưa được giải quyết triệt để. Điều này đã gây ra lãng phí và làm giảm đi những động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó làm giảm đi khả năng thu hút vốn đầu tư bao gồm cả vốn nước ngoài và vốn đầu tư theo hình thức PPP. Đặc biệt, gây thất thoát, lãng phí cho xã hội.
Ví dụ như các quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Việc sửa đổi một số quy định về pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn chậm được ban hành, dẫn đến nhiều dự án, công trình bị dở dang, bỏ hoang, trong khi nhiều dự án khác cần quỹ đất để xây dựng lại không có. Hiện có khá nhiều dự án đang trong tình trạng như vậy, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh. Điều này đã giảm hiệu quả đầu tư và giảm cả nguồn thu ngân sách từ dự án, từ đất đai của dự án.
PV:Chủ tịch Quốc hội vừa qua có cho biết, giai đoạn hiện nay chúng ta đang có nhiều vốn đầu tư nhất. Nhưng những hạn chế trong đầu tư công lại đang là điểm nghẽn lớn trong quá trình thúc đẩy phục hồi kinh tế. Ông có đề xuất giải pháp gì để góp phần khắc phục, tháo gỡ những hạn chế, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư công?
TS. Cấn Văn Lực: Để công tác đầu tư công phát huy cao nhất hiệu quả, theo tôi, các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính quyết liệt của người đứng đầu. Thực tế đã chứng minh, ở bộ, ngành, địa phương nào, người đứng đầu quyết liệt trong triển khai các công việc thì ở đó đều có được kết quả tốt.
Đồng thời, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành và phối kết hợp trong từng bộ, ngành, từng địa phương với nhau cần phải cải thiện hơn nữa trong việc triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng.
Lĩnh vực đầu tư công liên quan đến rất nhiều sở, ban, ngành và nhiều bộ phận khác nhau. Vì thế, tại mỗi địa phương cần phát huy một cách thực chất và hiệu quả mô hình của tổ công tác. Địa phương nào tổ công tác làm tốt, thực chất và hiệu quả sẽ là mô hình nhân rộng để các địa phương khác học tập, làm theo.Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải sát sao chỉ đạo, xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể, đồng thời phải kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc kịp thời.
Ngoài ra, Chính phủ cần cho tiếp tục rà soát các quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng. Quy định nào còn phù hợp thì tiếp tục áp dụng, quy định nào không còn phù hợp thì nên bỏ, bổ sung, thay thế quy định phù hợp với thực tế hơn. Đồng thời, Chính phủ tích cực làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài để giảm bớt đi những quy trình, thủ tục không cần thiết giúp cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài nhanh chóng được triển khai và giải ngân.
PV: Xin cảm ơn ông!