Chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn
Vấn đề quy hoạch nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân khu vực miền núi, vùng khó khăn... ngày càng được quan tâm hơn. Ảnh: TL |
Trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QHKHSDĐ) được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường (BVMT); Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Hệ thống QHKHSDĐ và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra...
Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt ra mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng QHKHSDĐ.
Trong đó, yêu cầu các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. QHKHSDĐ được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất…
Tại Nghị quyết số115/NQ-CP ngày 5/9/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ đã đặt ra một số mục tiêu, trong đó, bảo đảm việc sử dụng đất có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển, trọng điểm và quốc tế; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn.
Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; BVMT, các hệ sinh thái, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư vùng đồng bào DTTS; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.
Ngoài ra, bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%. Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với BVMT và phát triển bền vững.
Theo nhiều chuyên gia, những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa rất khó có cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nếu chúng ta gắn kết sử dụng tốt các công cụ quy hoạch đất đai, quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch trồng trọt gắn với các vùng… sẽ giải được bài toán xóa đói, giảm nghèo tại những khu vực này.
TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một trong những định hướng quan trọng để giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 76/2014/QH13 là: “Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng nhằm thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào DTTS”.
Trên cơ sở định hướng đó, nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản như hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững,bảo đảm quyền con người với 3 chức năng: Phòng ngừa - giảm thiểu - khắc phục rủi ro. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, có việc làm, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ ba cấp, trong đó, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất; nội dung quy hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất. Xác định khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến công trình hạ tầng và điểm kết nối giao thông. |