Giải ngân các dự án giao thông trọng điểm: Thi công đến đâu, tiền bố trí đủ đến đó
Tăng tốc giải ngân các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh MH |
Giải ngân đầu tư công lĩnh vực giao thông đạt 34%
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ước đến hết tháng 5/2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giải ngân khoảng 20.500 tỷ đồng (đạt 34%), cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 30%).
Đáng chú ý, trong tổng số hơn 59.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 2.571 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 và đang trình cấp có thẩm quyền bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành GTVT.
Để đảm bảo hiệu quả giải ngân, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ về tiến độ giải ngân; theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân.
Cũng trong tháng 5/2024, Bộ GTVT đã khởi công 3 dự án, trong đó có dự án chợ Chu - ngã ba Trung Sơn là dự án cuối cùng để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau. Cùng với đó, Bộ GTVT đã hoàn thành 4 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần là cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B), nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên hơn 2.000km, qua đó đã thông tuyến Cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến Vinh và từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã trình và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc La Sơn -Hòa Liên sử dụng từ nguồn vốn tăng thu 2022. Bộ đã rà soát tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.
Lũy kế đến tháng 5/2024, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư 65 dự án, phê duyệt đầu tư 57/65 dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sử dụng nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2022.
Các chủ đầu tư cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân: Để đảm bảo hiệu quả giải ngân, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ về tiến độ giải ngân; theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.
Đẩy nhanh thi công các dự án trọng điểm
Phát biểu tại cuộc họp vừa qua về kiểm điểm tình hình các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh thi công các dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, thi công đến đâu, tiền sẽ được giải ngân tới đó. Theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng. Bộ GTVT sẽ tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh khối lượng. "Nếu năm 2024 chúng ta tích cực thi công để giải ngân, công tác giải ngân năm sau sẽ bớt áp lực. Các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công "3 ca, 4 kíp". Việc thi công đến đâu, tiền sẽ được bố trí đủ đến đó" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ phải bảo đảm tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án cao tốc trục ngang (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu) để tăng sản lượng giải ngân. Ngoài ra, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết vướng mắc trong chuyển đổi rừng, mặt bằng, vật liệu, tập trung giải quyết tại một số vị trí đường găng: đất yếu, cầu, hầm…
Liên quan đến công tác đầu tư hệ thống Quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm tra tải trọng xe, Ban QLDA cần 6 tiếp tục phối hợp với tư vấn để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
“Trong đó, hệ thống ITS phải nghiên cứu phần mềm dùng chung, bảo đảm hiệu quả đầu tư, đồng bộ trên toàn dự án với giá thành hợp lý. Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện nhất, từ hạ tầng phần cứng, phần mềm, đặc biệt là trạm dừng nghỉ. Việc đầu tư phải đảm bảo khi các dự án thành phần được khánh thành, đưa vào khai thác là đủ điều kiện để bàn giao ngay cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành khai thác" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh./.