Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 60% kế hoạch
Tính đến hết tháng 11/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 60% kế hoạch. Ảnh: MH |
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 là 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch và đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhận xét về kết quả này, Bộ Tài chính cho rằng, ước 11 tháng, giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân lại thấp hơn.
Chỉ có 18/46 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Trong đó, Đài Truyền hình Việt Nam đạt 100%, Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 100%, Ngân hàng Nhà nước đạt 84,83%...
Vẫn còn tới 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạt 2,1%, Ủy ban Dân tộc là 6,87%..., thậm chí Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là 0%.
Đáng chú ý, việc một số địa phương có kế hoạch vốn lớn nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng lớn đến bình quân chung cả nước.
Như TPHCM được giao 79.000 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân được 22,52%; TP Hà Nội được giao hơn 77.000 tỷ đồng, chiếm 11,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chỉ giải ngân được 55,33%...
Bên cạnh đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải mặc dù cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước nhưng lại đang có xu hướng chậm lại.
Đánh giá về khó khăn chung, Bộ Tài chính cho biết, một số vướng mắc liên quan đến thể chế đã được các bộ, ngành tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi các luật tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, các vấn đề về cơ chế chính sách, quy hoạch sử dụng đất, nguồn cung nguyên vật liệu; hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA… cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Đặc biệt, một số địa phương như Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn còn gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Thậm chí, một số nơi, việc đấu giá quyền sử dụng đất các dự án khối tỉnh chưa kịp thời huy động vào NSNN.
Ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã đã giao chi tiết kế hoạch vốn nhưng chưa có nguồn thu thực tế, do vậy chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư.