Hà Nội: 5 nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác quản lý đất đai
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2807/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố.
Tại công văn này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.
Hà Nội đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác quản lý đất đai. Ảnh minh họa |
UBND thánh phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tập trung nguồn lực, thúc đẩy tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử. Rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến, giảm thiểu việc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trực tiếp...
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hoàn thành việc thiết lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) thành phố trong tháng 9/2022.
Tổ chức công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch Thành phố, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch thành phố, giữa quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giữa kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở chuyên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội triển khai việc đánh giá và rà soát nguy cơ xuất hiện bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản. Đồng thời, quản lý, kiểm tra chặt chẽ từ giấy phép thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất, công tác thẩm định và duyệt quy hoạch, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tính, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Tổ chức công bố công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm được phê duyệt bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai. Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 4/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp.
Rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Thường xuyên kiểm soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tiến độ thời gian (nhất là những địa bàn có đường Vành đai 4 đi qua). Trong đó, lưu ý thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục và áp dụng chính sách tối đa theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất.
Về công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; khẩn trương chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, hoàn thiện trình UBND thành phố ban hành quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của thành phố.