Hà Nội: Xử lý nghiêm hành vi tiếp tay, bao che trong thẩm định giá, đấu giá
Liên tục xuất hiện tình trạng bỏ cọc, gây thất thu ngân sách
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hà Nội cho thấy, năm 2021, thành phố đã thực hiện đấu giá đạt 85% kế hoạch. Thu tiền sử dụng đất đạt 53,4% so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên thời gian gần đây, tại Hà Nội liên tục xuất hiện tình trạng bỏ cọc sau khi giá đấu bị đẩy lên cao bất thường.
Điển hình tại huyện Mê Linh, ngay đầu năm 2022, Trung tâm quỹ đất huyện này phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, dự án đấu giá thôn Ngự Tiền tại xã Thanh Lâm 10 thửa; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng 5 thửa; dự án tại điểm X3 thuộc xã Tam Đồng cũng có trường hợp bỏ cọc.
Mới đây nhất, 4 thửa đất tại Khu X4, phường Mai Dịch đã bị người trúng đấu giá bỏ cọc sau khi đưa giá lên gần 400 triệu/m2 cao hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm.
Đấu giá đất rồi bỏ cọc gây thất thu ngân sách. Ảnh: TL minh họa |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tình trạng bỏ cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất còn diễn ra, thì Hà Nội rất dễ thất thu ngân sách. Đồng thời, việc làm này cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị, ổn định đời sống dân cư và gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo về kết quả rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo của UBND TP. Hà Nội nêu rõ, giai đoạn 2011 - 2021, Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 1.708 dự án với diện tích 3,177 triệu m2. Số tiền trúng đấu giá là hơn 59.423 tỷ đồng, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp luật về đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất…
Theo UBND TP. Hà Nội, các phương pháp xác định giá đất hiện nay không hiệu quả. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phản ánh đúng giá giao dịch thực tế, thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất thiếu chính xác, không tin cậy; nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc điều chỉnh sự khác biệt giữa tài sản so sánh và tài sản thẩm định phụ thuộc vào kinh nghiệm của thẩm định viên về giá, nhiều chỉ tiêu tính toán chi phí phát triển chưa được hướng dẫn chi tiết…
Đặc biệt, trong quá trình xác định giá còn có tình trạng các ý kiến của cơ quan thanh, kiểm tra chưa thống nhất về phương pháp tính, các khái niệm, định mức, thông số tính toán dẫn tới phải tạm dừng để xin ý kiến cơ quan chuyên môn trung ương.
Xuất phát từ những vướng mắc nêu trên, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K).
Tăng cường kiểm tra, thanh tra
Để hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá đất được minh bạch, tránh thất thu ngân sách, UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện đấu thầu, đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tại văn bản chỉ đạo, TP. Hà Nội giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và đơn vị liên quan tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sát với giá thị trường. Đồng thời, đơn vị chủ động lấy ý kiến góp ý các sở, ngành liên quan đối với phương án đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản hoàn thiện dự thảo trước khi trình UBND thành phố ban hành.
Dự kiến năm 2022, UBND TP. Hà Nội sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 507 dự án; tổng diện tích đất đấu giá là 422,07 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 38 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất là 531 dự án; tổng diện tích đất đấu giá 485,46 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 42 nghìn tỷ đồng. |
Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá của UBND các quận, huyện, thị xã, việc tổ chức xác định giá khởi điểm; xử lý nghiêm theo quy định những hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che đối với vi phạm về thẩm định giá, đấu giá.
Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, sở cung cấp thông tin về tổ chức hành nghề đấu giá đến cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp, theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản theo thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiếm tra hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.
Sở Tài chính kịp thời kiểm tra hoạt động thẩm định giá tài sản; quy trình, quy chuẩn tổ chức định giá của các tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát quy định của pháp luật về xác định giá để làm giá khởi điểm đối với tài sản đấu giá là tài sản công; bảo đảm giá khởi điểm của tài sản đấu giá sát với giá thị trường.
Công an thành phố và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản công giá trị lớn, quyền sử dụng đất nhằm trục lợi.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND thành phố trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công trên địa bàn theo thẩm quyền; xây dựng phương án lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công theo đúng quy định, việc lựa chọn, công bố thông tin liên quan đến việc đấu giá, bảo đảm công khai, minh bạch.
UBND TP. Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội, rà soát hoạt động cho vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay vốn./.