Nam Định nằm trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao
Đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc
Năm 2022, tỉnh Nam Định được giao trên 4.877,6 tỷ đồng vốn đầu tư (bao gồm cả vốn trung ương và địa phương).
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Nam Định, tính đến hết tháng 2/2022, đơn vị đã giải ngân được trên 750,4 tỷ đồng, đạt 15,4% so với kế hoạch vốn được giao.
Công chức Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hồ sơ chứng từ thanh toán vốn do chủ đầu tư gửi đến. Ảnh minh họa |
Ông Đoàn Văn Sơn - Trưởng phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Nam Định cho biết, để có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu năm, căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã phối hợp với cơ quan tài chính trong việc cung cấp thông tin dự án để làm căn cứ nhập dự toán trên TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) được kịp thời.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã quán triệt các giao dịch viên chấp hành nghiêm việc kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho hợp đồng thanh toán nhiều lần (trừ lần thanh toán cuối cùng), giúp cho các chủ đầu tư giảm được thời gian đi lại nhưng vẫn đảm bảo thanh toán nhanh chóng, sớm đưa tiền ngân sách nhà nước vào sử dụng kịp thời và hiệu quả.
Đặc biệt, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã thông báo bằng văn bản kế hoạch vốn được giao tới tất cả các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương làm thủ tục thanh toán vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn việc thanh toán vốn vào cuối năm. Với những công trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn với số tiền lớn, Kho bạc Nhà nước Nam Định đề nghị các chủ đầu tư cần khẩn trương làm thủ tục cam kết chi theo đúng các quy định.
“Đây chính là giải pháp quan trọng để các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nắm bắt và chủ động sử dụng kế hoạch vốn được giao, góp phần vào đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công” - ông Sơn cho biết.
Phấn đấu đạt 100% tỷ lệ giải ngân
Mặc dù đang có tỷ lệ giải ngân cao so với tỷ lệ chung của cả nước, nhưng theo ông Sơn, trong quá trình thực hiện giải ngân từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước Nam Định cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đơn cử như tại Nghị định số 99/2021/NĐ- CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định, đối với chi phí quản lý dự án, chủ đầu tư lập bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành (có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư) gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng. Chủ đầu tư không phải gửi chứng từ chi, hóa đơn mua sắm đến cơ quan kiểm soát, thanh toán và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán theo dự toán được duyệt. Tuy nhiên, trong Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ lại chưa có mẫu bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành để Kho bạc Nhà nước hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện…
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% khi hết năm ngân sách, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, nhất là những dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu lấy kết quả giải ngân của từng dự án làm căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của cán bộ, công chức đã được phân công theo dõi. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, các đơn vị phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Về phía Kho bạc Nhà nước Nam Định, ông Sơn cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực kho bạc để phục vụ tốt cho các đơn vị giao dịch.
Đồng thời, để việc thu hồi vốn tạm ứng đầu tư được kịp thời, Kho bạc Nhà nước Nam Định kiến nghị, đối với chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trường hợp đơn vị, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã có đầy đủ hồ sơ, chứng từ làm thủ tục đề nghị thanh toán thu hồi tạm ứng thì cho phép Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát và thu hồi vốn tạm ứng, không chờ đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới làm thủ tục thu hồi.
Còn đối với thu hồi vốn tạm ứng chi phí quản lý dự án, Kho bạc Nhà nước Nam Định đề nghị Kho bạc Nhà nước cho phép sử dụng bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (Mẫu số 07), Nghị định số 11/2020/NĐ-CP hoặc đề nghị bổ sung mẫu này để áp dụng trong toàn hệ thống, giúp giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương./.