Người có nhiều diện tích đất không đưa vào sử dụng sẽ bị đánh thuế cao
Đất nông nghiệp không sử dụng cũng sẽ bị cộng hệ số để tính thuế
Thời gian qua, tình trạng phân lô bán nền diễn ra phổ biến trên toàn quốc, tạo ra vấn nạn “đầu cơ” đất đai, “thổi giá đất” lên cao gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, được dư luận xã hội, người dân quan tâm đặt ra những câu hỏi liệu Nhà nước có biện pháp gì để đối phó với vấn nạn đầu cơ đất đai; có đánh thuế tài sản lũy tiến, hay đất bỏ hoang không?
Thông tin về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho hay, Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về chính sách; quy định cụ thể sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện chính sách thuế.
Sẽ đánh thuế cao, thuế lũy tiến với người có nhiều diện tích đất. Ảnh: TN |
Bộ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm một số nước như Mỹ trường hợp người dân có 5 nhà, cả 5 nhà đều cho thuê và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Còn nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Hay như ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ học tập kinh nghiệm này từ các nước.
Ngoài việc quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ việc giao dịch đất phải thông qua sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, về các loại đất, thì đất nào không sử dụng cũng lãng phí. Về đất nông nghiệp hiện nay thuế bằng không theo quy định của Quốc hội, nhưng trong Luật Đất đai (sửa đổi) nếu không sử dụng sẽ bị cộng hệ số để tính thuế. |
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay, các giao dịch của các dự án thì phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đối với các giao dịch của người dân thì thực hiện thông qua Văn phòng đăng ký đất đai như quy định hiện hành để tránh phát sinh thủ tục, khó khăn cho người dân nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
“Về chủ trương giao dịch không bằng tiền mặt, hiện nay pháp luật về phòng chống tham nhũng, cũng như chủ trương của Chính phủ sẽ tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là cách làm ở các nước vẫn đang áp dụng để chống tham nhũng, nên rất cần thiết. Việc này, sẽ được hoàn thiện trong các pháp luật về kinh doanh bất động sản... Nếu làm được như vậy thì sẽ kiểm soát được vấn đề tham nhũng, giá đất” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm.
Giải pháp ngăn vấn nạn đầu cơ đất đai
Nêu giải pháp đối phó với vấn nạn đầu cơ đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, ở đây có mấy vấn đề cần giải quyết. Trước tiên phải dùng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai. Chẳng hạn, với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hóa tài sản... thì sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Nhiều giải pháp ngăn vấn nạn đầu cơ đất đai. Ảnh: TN |
Đối với người đầu cơ, nếu họ mua xong bán ngay thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn so với người mua đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định. Tức là chúng ta sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng mới bán để thu lời. Còn đối tượng thổi giá thông qua đấu giá thì sẽ thay đổi phương thức đấu giá để loại trừ động tác này.
“Năm 2025, chúng ta sẽ có cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có bản đồ về giá đất đai. Khi hoàn thành xong việc đo đạc, các thửa đất đều được thể hiện trên bản đồ địa chính, gắn với giá đất thu thập hàng ngày” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin. |
Điều quan trọng nhất, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng phải xác định giá theo thị trường và dùng công cụ thị trường để điều tiết giá. Công cụ thị trường ở đây là cung - cầu để xác định giá. Ví dụ phân khúc nhà nào đang quá ít mà nhu cầu quá lớn thì Nhà nước cần có quỹ đất bổ sung vào phân khúc này. Khi số lượng sản phẩm tăng lên thì giá sẽ giảm xuống.
Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong đó có vấn đề đánh thuế người có nhiều nhà đất, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh lưu ý, ở Việt Nam có một số đặc thù cần được cân nhắc để giảm trừ. Ví dụ, người có nhà ở thứ 2, nhưng nhà ở thứ nhất có diện tích quá bé, chỉ từ 15 - 20 m2, giá trị thấp, muốn nâng cao chất lượng sống, mua thêm nhà ở thứ 2 thì nên xem xét, cân nhắc không đánh thuế. Ngoài ra, việc người dân mua nhà ở thứ 2 để làm cơ sở kinh doanh, đóng thuế phí kinh doanh cũng cần được xem xét giảm trừ, đóng thuế thấp hơn./.